Cà phê là loại cây lâu năm được trồng phổ biến ở rất nhiều vùng nước ta, cây cho năng suất cao khi được chăm sóc đúng cách. Mùa mưa thường bắt đầu từ tháng 5 – 11 là giai đoạn cây nuôi quả đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc kỹ lưỡng hơn, dinh dưỡng cho cây cần được cung cấp đầy đủ, nước tưới phù hợp và phòng trừ sâu bệnh gây hại,… Bà con đừng bỏ qua cách chăm sóc cà phê trong mùa mưa dưới đây của Công ty sản xuất phân bón Hà Lan để đảm bảo vườn cà phê được phát triển tốt, cho mùa bội thu nhé.
Rong tỉa cây che bóng
Nói đến cách chăm sóc cà phê trong mùa mưa nông dân cần lưu ý điều đầu tiên chính là tỉa cây che bóng. Việc rong tỉa che bóng cần thực hiện khoảng từ 2 – 3 lần vào mùa mưa tùy thuộc vào tốc độ ra của loại cây che bóng để tránh vườn cà phê bị cớm, rợp. Trước khi kết thúc mưa 1 tháng sẽ tiến hành đợt rong tỉa cuối cùng.
Đối với những vườn cà phê kiến thiết cần rong tỉa tạm thời là cây muồng hoa vàng, chúng được trồng giữa 2 hàng cà phê. Bà con cần chặt thấp cây ở độ cao từ 50 – 70cm nhằm giúp cho cây muồng được tái sinh tốt hơn. Cần thực hiện rong tỉa 2-3 lần và đem tủ chúng vào gốc cà phê.
Đối với những vườn cà phê kinh doanh cần rong tỉa kịp thời cây che bóng ngay từ đầu mùa mưa như keo dậu, muồng đen để tăng cường ánh sáng cho vườn cà phê, giúp cho cành lá cà phê được khỏe mạnh hơn, không bị yếu, bị nhớt. Chỉ nên để lại khoảng từ 1 – 2 cành cây che bóng. Quá trình rong tỉa bà con cần chú ý không làm dập, gãy cành cà phê.
Làm cỏ vườn, bón phân
Công việc làm cỏ vườn, bón phân là một trong những cách chăm sóc cà phê trong mùa mưa đem lại hiệu quả tốt, hạn chế các tình trạng xảy ra do thiếu dưỡng chất như cà phê rụng trái non, trái bị lép, cây bị vàng lá, phát triển còi cọc,…
Việc đầu tiên là bà con cần làm sạch cỏ, không để cỏ dại cạnh tranh chất dinh dưỡng với cà phê. Tiếp đó là bón phân sau khi làm cỏ sạch. Loại phân bón nên sử dụng là phân hữu cơ, phân NPK với tỷ lệ phù hợp.
Bón phân hữu cơ có tác dụng cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho cây, giúp cải tạo được môi trường đất, tăng hiệu lực của các loại phân hóa học. Lượng phân bón hữu cơ thích hợp nhất là khoảng từ 10 – 15 kg/cây, hoặc bón phân hữu cơ vi sinh từ 1 – 2 tấn/ ha.
Bón phân NPK hỗn hợp cho cây cà phê trong mùa mưa mang lại nhiều lợi ích lớn. Phân giúp bổ sung các chất vi lượng cần thiết cho cây cà phê như kẽm, bo, đồng,… Bón phân NPK có tỷ lệ đảm bảo phù hợp với từng thời kỳ sinh trưởng và phát triển của cà phê để nâng cao hiệu quả phân bón. Phân NPK hỗn hợp bà con nên bón các loại phân có tỷ lệ lân, đạm cao hơn kali, vì thời điểm này cành lá phát triển mạnh, quả cà phê chỉ mới tăng về thể tích. Đến thời điểm giữa và cuối mùa mưa thì bón phân NPK có tỷ lệ kali cao bằng hoặc hơn đạm vì đây là lúc quả đã vào thời kỳ chắc và già hạt.
Về lượng phân bón NPK cần căn cứ tiềm năng năng suất của vườn cà phê mà bà con có định lượng phân bón hợp lý, cụ thể như sau:
- Vào đầu mùa mưa: Từ tháng 4 – 5 bà con bón phân NPK theo công thức NPK 16-16-8 TE, liều lượng bón từ 400 – 450 kg/ha
- Vào giữa mùa mưa: Từ tháng 7 – 8 bón phân công thức NPK 16-8-16 TE lượng bón từ 500 – 600 kg/ha
- Vào cuối mùa mưa: Từ tháng 9 – 10 bón phân công thức NPK 16-8-16 TE hoặc phân Đầu Trâu chắc hạt có công thức 16-6-19 TE, lượng bón từ 400 – 450 kg/ha.
Nếu vườn cà phê của bà con có năng suất cao hơn 4 tấn nhân, bà con nên bón phân tăng cường. Cứ 1 tấn nhân thì cần tăng thêm khoảng 300 – 400kg NPK hỗn hợp/ ha. Để việc bón phân chăm sóc cà phê trong mùa mưa được hiệu quả nhất, bà con cần bón phân khi đất đủ ẩm. Nên rạch rãnh ở xung quanh tán cà phê và rải phân đều lên, lấp đất lại. Sau khi bón phải tưới nước để cho phân tan và ngấm vào trong đất khi trời không mưa.
Đào rãnh, cày rạch hàng ép xanh
Vào mùa mưa, công tác đào rãnh, cày rạch hàng ép xanh là công việc cần thực hiện để đảm bảo cây cà phê phát triển tốt, hấp thu dinh dưỡng tốt hơn. Công việc này được thực hiện từ sau khi bón phân NPK đợt một khoảng 20 ngày đến trước khi hết mưa từ 1,5 – 2 tháng. Bà con cần đào rãnh sâu khoảng 30cm, rộng 20 – 25cm, dài 1m dọc theo mép trong bồn, cứ mỗi gốc cà phê cần đào từ 1 – 2 rãnh.
Sau đó tiến hành dồn tất cả mọi cỏ rác trên lô vào rãnh rồi lấp đất lại. Bà con có thể cày rạch bằng cách dùng cày tời rạch giữa 2 hàng cà phê, độ sâu 50cm. Cày 1 hàng, bỏ một hàng, cứ như thế năm sau sẽ cày luân phiên nhằm không làm tổn thương bộ rễ cây.
Cắt tạo hình, sửa cành
Với vườn cà phê mới có chiều cao cây thấp thì ngay từ đầu mùa mưa nên tiến hành nuôi tầng 2 khi bộ tán cây đã ổn định. Bà con chỉ để 1 chồi vượt mọc lên ở vị trí hãm ngọn khoảng 10cm lần thứ nhất. Cho đến khi độ cao cây đã đạt được 1,6m thì hãm ngọn lần hai, giữ ở độ cao này trong suốt chu kỳ kinh doanh. Với những vườn cà phê lâu năm thi sau khi thu hoạch thường có đợt cắt cành chính nhằm bỏ đi các cành già cỗi, cành sâu bệnh, các cành vô hiệu, cành nhỏ yếu, cành khô,…
Vào đầu mùa mưa bà con nên tiến hành đợt cắt sửa cành nhẹ, tiếp tục loại bỏ đi những cành khô mới phát sinh trong mùa khô. Vào khoảng tháng 8 – 9, khi quả cà phê đã lớn, bà con cần sửa cành thêm một lần nữa để định lại các cành dự trữ cho mùa năm tới. Bà còn tiến hành cắt bớt cành thứ cấp rậm rạp, bị vống, bị yếu, chỉ nên để lại các cành dự trữ khỏe mạnh, để chúng có khả năng ra hoa quả tốt vào mùa khô sắp đến.
Bẻ chồi vượt
Vào mùa mưa, chúng ta thường thấy các chồi vượt phát triển rất nhanh. Vì thế bà con cần bẻ chồi vượt kịp thời để không làm ảnh hưởng đến cây, chỉ nên để lại những chồi tạo tán bổ sung. Nên bẻ chồi vượt trung bình khoảng 1 tháng 1 lần, chú ý vặt các cành nhớt, cành tăm. Chỉ để lại không quá ba cành dự trữ đã được phát sinh ở mỗi vị trí đốt cành. Nên vặt các cành thứ cấp mọc quá dày trên đỉnh tán để giúp cho ánh sáng có thể lọt vào bộ tán cà phê.
Phòng trừ sâu bệnh
Cách chăm sóc cây cà phê vào mùa mưa không thể thiếu bước phòng trừ sâu bệnh. Mùa mưa có độ ẩm cao nên có nhiều sâu bệnh sinh sôi và phát triển như rệp vảy xanh, mọt đục cành, rệp sáp, bệnh nấm hồng,…chúng thường xuyên xuất hiện hại cây trồng vào giai đoạn này. Để phòng trừ sâu bệnh, bà con cần tiến hành làm sạch cỏ trong lô, phải cắt bỏ đi các cành bị sâu bệnh và các cành vô hiệu.
Cần tạo sự thông thoáng cho vườn cà phê bằng cách cắt bỏ sớm đi các cành bị bệnh. Bà con có thể tạo sự cân bằng sinh thái bằng cách sử dụng phương pháp quản lý dịch hại tổng để, hạn chế sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật vì nó có hại đối với sức khỏe con người, có hại cho vật nuôi và môi trường.
Bà con cũng cần phải thường xuyên thăm vườn để phát hiện kịp thời các loài sâu bệnh hại để có giải pháp phòng trị, hạn chế sâu bệnh. Bên cạnh đó cần có các phương pháp kháng nấm bệnh, phòng bệnh vàng lá, bệnh xì mủ,…để tăng cường sự phát triển cho bộ rễ, tạo điều kiện cho cây phát triển bền vững nhất, mang lại năng suất cao cho thời kỳ tiếp theo.
Hy vọng rằng với những chia sẻ về cách chăm sóc cà phê trong mùa mưa cần lưu ý trên đây đã giúp cho bà con có được giải pháp tốt nhất trong quá trình chăm sóc vườn cà phê của mình. Chỉ với 6 bước đơn giản là bà con đã có thể tự tin có được một mùa vụ bội thu, năng suất cao, chất lượng tốt nhất.