Cách chăm sóc cây mai sau Tết đơn giản tại nhà là điều được nhiều gia đình trưng mai ngày tết quan tâm. Mai là cây cảnh được sử dụng trong nhiều năm. Tuy nhiên, sau những ngày tết trổ hoa rực rỡ, cây cần được chăm sóc để hồi lại sức khỏe mạnh mẽ như ban đầu. Bài viết này sẽ là những hướng dẫn thực tế để bạn có thể giúp cây phát triển tốt trở lại.
Tại sao bạn cần chăm sóc cây mai sau Tết?
Cây mai ngày tết là hình ảnh truyền thống không thể thiếu của người phương Nam. Sắc vàng rực rỡ, tươi tắn của mai chính là sự may mắn, tốt đẹp, khởi đầu của năm mới thịnh vượng và bình an. Bên cạnh việc biết cách giữ mai tươi lâu ngày tết, người chơi mai còn cần biết biết cách giúp mai nhanh chóng hồi phục.
Dưới đây là những lý do bạn cần chăm sóc mai sau tết:
- Thời điểm trước tết, nhà vườn thường sử dụng thuốc kích thích ra hoa, thuốc nở hoa dẫn đến bộ rễ của cây bị yếu, trong thời gian dài sẽ khiến rễ cây khó hấp thụ được chất dinh dưỡng như bình thường.
- Trong những ngày tết, mai được đặt trong nhà khiến cây bị thiếu ánh nắng trầm trọng và ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất, quang hợp của cây. Đồng thời, những ngày này cây cần tập trung toàn bộ dinh dưỡng nuôi nụ và để hoa nở bung nên cần bù đắp lại lượng cần thiết cho mọi hoạt động của thân.
- Việc chăm sóc mai không đúng cách ngày tết như quên tưới nước, tưới nước quá nhiều, tích nhiều phân cho cây khiến rễ xót, sốc phân… làm các bộ phận của mai ốm yếu.
Với những thực trạng như trên, mai cần được hồi phục nhanh chóng để bạn có thể chơi được cho những năm tiếp theo.
Thời điểm bắt đầu tiến hành chăm sóc cây mai sau tết
Trưng mai ngày tết có hai kiểu là trưng cây trong nhà và trưng ngoài trời. Đối với các chậu trong nhà, khoảng mùng 8 âm lịch bạn nên đưa cây ra ngoài phơi dưới nắng nhẹ và thoáng mát trong 3 – 5 ngày để tập làm quen lại với ánh nắng. Bạn chỉ nên đặt cây dưới nắng nhẹ để tránh bị cháy lá, cháy thân và chết cây.
Với những cây trưng ngoài trời thì không cần phơi nắng. Đến khoảng ngày 15/1 âm lịch, bạn thực hiện các biện pháp chăm sóc sau tết là phù hợp.
Cách chăm sóc cây mai sau Tết đơn giản tại nhà
Tỉa cành cây mai sau tết
Bạn dùng kéo cắt bỏ những cành mai dài, cành nhiễm nấm bệnh, cành ủ nụ chưa nở, cành hoa tàn để tránh hoa tạo hạt. Sau khi cắt, bạn nên sử dụng keo liền da cây để giúp vết cắt mau lành. Keo cũng có tác dụng bảo vệ cây khỏi các tác nhân gây hại từ môi trường xâm nhập vào thân.
Vệ sinh mai sau tết
Sau khi cắt bỏ hết cành thừa, bạn lấy vòi phun nước phun trực tiếp vào thân cây. Lưu ý, bạn chọn vòi áp suất bình thường, tránh lấy vòi rửa xe phun vì có thể làm tróc vỏ mai. Việc phun nước giúp loại bỏ sạch rêu và nấm mốc trên cây. Nếu thân cây chưa sạch, bạn có thể dùng bàn chải chà thân để đánh bật những “vị khách” không có ích cho cây này.
Thay giá thể
Thay giá thể hay thay đất cho cây là công đoạn không thể thiếu khi chăm sóc mai sau tết. Việc thay đất nhằm cung cấp đất mới có hàm lượng dưỡng chất tốt cho cây. Giá thể dùng để thay có thể trộn mùn dừa, trấu hun, đất thịt, phân hữu cơ như: Organic 1, phân bón 3 Con Gà,…
Các bước thay giá thể:
- Kéo cây ra khỏi chậu, dùng tay cậy lớp đất cũ xung quanh rễ nhẹ nhàng. Hạn chế tối đa làm gãy rễ.
- Dùng kéo cắt tỉa những đoạn rễ già và nấm bệnh.
- Cho đất đã chuẩn bị vào đầy ⅔ chậu trồng rồi đặt mai vào giữa. Tiếp tục lấp đầy đất vào chậu mai. Bạn có thể thêm đá hay lớp phủ lên bề mặt đất để đất giữ nước và dinh dưỡng tốt hơn.
- Đặt chậu dưới bóng mát từ 1 – 2 ngày rồi đưa ra ngoài trời để cây phát triển bình thường.
Kích rễ, tưới nước cho mai
Sau khi thay đất, bạn cần kích rễ để giúp cây phát triển nhanh chóng. Số lần tưới dung dịch kích rễ khoảng 3 – 4 lần, mỗi lần cách nhau 7 – 10 ngày.
Tưới nước cho cây mai 2 lần vào sáng sớm và chiều tối sau khi mặt trời đã khuất bóng. Bạn nên tưới nhẹ nhàng thẳng vào gốc và phun tia nhỏ lên toàn thân. Tùy theo lượng đất và độ to của cây mà lượng nước tưới sẽ khác nhau. Bạn chỉ cần lưu ý nước không được đầy sĩnh trong chậu.
Bón phân cho mai sau tết
Sau khoảng 15 – 20 ngày thay giá thể, bạn bổ sung phân hữu cơ NPK cho cây với liệu lượng 0.3 – 0.5kg/gốc tùy theo độ to. Bạn nên hòa loãng và tưới vào đất. Lưu ý khi tưới, bạn nên tưới xung quanh, không tập trung đổ vào gốc.
Phòng trừ sâu bệnh hại cho cây
Những sâu bệnh hại trên thân mai thường thấy nhất là sâu ăn lá, nhện đỏ, sâu đục thân và rệp ở ngọn non của cây. Khi bạn nhận thấy cây bắt đầu bị sâu hại tấn công thì có thể bắt thủ công bằng tay. Với các loại rệp có thể dùng vòi phun để làm bay “ngôi nhà” trú ẩn của chúng. Sau đó bạn dùng vải mềm lau đi toàn bộ các vết nhầy, bụi phần còn lại trên lá.
Nếu mật độ sâu hại lớn, bạn có thể sử dụng dung dịch tỏi ớt gừng hay dung dịch ủ enzym, tinh dầu sả xịt thẳng vào ổ sâu bệnh và lá xung quanh. Mùi và vị cay của dung dịch có tác dụng xua đuổi sâu hại hiệu quả mà không làm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của cây.
Bí quyết chăm sóc cây mai sau Tết theo từng tháng
Cách chăm sóc cây mai sau Tết tháng 1 – 2
Từ tháng 1 – 2, bạn cần tập trung các hoạt động để cây được hồi và làm quen với ánh sáng sau những ngày được nuôi trong nhà. Các hoạt động giúp cây hồi là đặt cây ngoài trời dưới ánh nắng nhẹ, thoáng đãng. Đồng thời, bạn cắt tỉa hoa, nụ ủ, cành già, cành sâu bệnh, hoa tàn. Nếu bạn vẫn muốn giữ nụ để hoa nở thì cần liên tục cắt bỏ hoa tàn và chỉ để lại trên thân lá non.
Sau đó, bạn cần thay đất cho cây, tỉa rễ yếu, rễ bệnh. Đất mới cần đảm bảo đủ dinh dưỡng, đất tơi xốp để cây phát triển an toàn. Cách trộn đất, bón phân và chăm sóc đã được chia sẻ chi tiết ở phía trên.
Cách chăm sóc cây mai sau Tết vào mùa mưa
Tháng 5 – 6 là thời gian miền Nam bắt đầu bước vào mùa mưa. Đây cũng là khoảng thời gian mai sẽ sinh trưởng, phát triển mạnh, mầm non bắt đầu bật lên mạnh mẽ. Bộ rễ mai cần hoạt động tích cực để lấy dinh dưỡng nuôi lá mầm.
Trong giai đoạn này, bạn cần bón thêm cho cây phân hữu cơ hoai mục, phân sinh học và phân vô cơ có hàm lượng đạm cao. Thời gian cuối tháng 4, đầu tháng 5 cây dễ nhiễm bệnh nấm hồng nên bạn cần tỉa bỏ bớt cành yếu, tạo độ thoáng cho cây.
Tháng 7 – 8 cây đã phát triển ổn định và bạn có thể tạo dáng cho cây. Hoạt động tỉa bỏ cành yếu vẫn tiếp tục được duy trì để không phí chất dinh dưỡng. Nụ hoa cũng bắt đầu được hình thành từ cuối tháng 8 nên bạn cần chú ý về tình trạng tưới nước, ngăn ngừa bệnh cho cây.
Tháng 9 – 10 là thời điểm mai ngừng sinh trưởng, lá mai xanh đậm và già dần. Lúc này, bạn cần bón dynamic để lá mai luôn tươi xanh.
Cách chăm sóc cây mai sau Tết vào các tháng mùa khô còn lại
Từ cuối tháng 10, đầu tháng 11, bạn cần bón thúc phân vô cơ cho cây. Nếu bạn muốn tăng chất lượng hoa thì nên rắc phân kali kết hợp phân lên trên bề mặt đất và tưới nước thường xuyên. Đầu tháng 12, bạn thêm cho cây một chút phân úc để ngăn tình trạng nụ và hoa mai rụng.
Nội dung bài viết đã chia sẻ với bạn chi tiết cách chăm sóc cây mai sau Tết đơn giản tại nhà và cách chăm mai theo từng tháng. Hy vọng với những thông tin trên, bạn sẽ giúp cây mai nhà mình nhanh chóng hồi phục và phát triển lại bình thường. Hãy tiếp tục theo dõi website của công ty sản xuất phân bón Hà Lan để có thêm những kinh nghiệm hay từ nhà nông.