Lá cẩm là loại cây có đa dạng công dụng nên được người Việt Nam sử dụng trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Bên cạnh việc làm nguyên liệu trong các bài thuốc dân gian thì lá cẩm còn được dùng để thay thế cho các loại phẩm màu khi chế biến món ăn. Trong bài viết này, Nhà máy Phân bón Hà Lan sẽ chia sẻ cho bạn cách trồng cây lá cẩm đơn giản ngay tại nhà. Mời các bạn tham khảo nhé!
Các đặc điểm sinh học của cây lá cẩm

Cây lá cẩm có tên khoa học là Peristrophe roxburghiana, có nguồn gốc từ các nước Đông Nam Á và được Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan sử dụng nhiều vào các bài thuốc dân gian lẫn các món ăn. Sau đây là một số điểm đặc trưng của cây lá cẩm mà bạn có thể tham khảo:
- Lá cẩm thuộc loại cây cỏ, thân thảo và sống lâu năm. Mỗi cây trong quá trình sinh trưởng chỉ cao tầm 1m. Các cành non của cây lá cẩm khi mới phát triển sẽ có lông, khi cành đã già thì phần cành sẽ nhẵn hơn.
- Thân cây thường chia thành 4 cạnh và có rãnh dọc sâu. Các lá có hình bầu dục, mọc theo kết cấu lá đơn và mọc đối xứng với nhau. Gân lá thường có thêm các sọc trắng. Mỗi lá sẽ có kích thước phát triển từ 2 – 10cm.
- Hoa của cây lá cẩm sẽ bắt đầu nở vào tháng 10 đến tháng 11. Hoa sẽ mọc ở ngọn hoặc nách lá và thường có hình trứng.
Các loại cây lá cẩm phổ biến hiện nay
Cách trồng cây lá cẩm không quá khó, thổ nhưỡng của cây lá cẩm cũng không đòi hỏi nguồn đất quá đặc biệt. Tuy nhiên, cây lá cẩm lại có rất nhiều loại với các màu sắc khác nhau. Bạn nên xác định màu sắc của cây lá cẩm mà mình sẽ trồng trước khi trồng loại cây này nhé. Hiện nay, tại Việt Nam cây lá cẩm có 4 loại sau đây:
- Lá cẩm đỏ (tên gọi khác là chằm thủ):Loại lá cẩm này sẽ cho dịch chiết màu đỏ nên các món ăn cần màu đỏ sẽ thường chọn loại lá cẩm này. Lá cẩm đỏ sẽ có hình bầu dục, gốc lá thon và có màu xanh đậm. Đặc biệt, lá cẩm đỏ có nhiều lông hơn so với các loại khác và mặt trên không có bớt trắng.
- Lá cẩm tím (tên gọi khác là chằm lai): Loại cây này sẽ có dịch chiết màu tím. Phần lá có màu xanh nhạt, lá có kết cấu mỏng, có đốm trắng ở dọc gân lá.
- Cẩm tím loại màu đậm (có tên gọi là chằm khâu): Như tên gọi thì lá cẩm tím sẽ cho ra dịch chiết màu tím. Để nhận diện loại lá cẩm này thì bạn chỉ cần chú ý ở phần lá thường có màu xanh đậm, kết cấu lá dày và không có gân trắng.
- Lá cẩm vàng (tên gọi khác là chằm hiên): Lá cẩm vàng mang đến dịch chiết màu vàng xanh giúp các món ăn thêm đẹp mắt và hấp dẫn hơn. Loại lá cẩm này sẽ có kết cấu lá thon và đầu nhọn. Cả 2 mặt lá đều có lông và phiến lá thường nhăn nheo, không bằng phẳng như các giống lá cẩm khác.
Một số tác dụng của cây lá cẩm

Trước khi đi tìm hiểu về cách trồng cây lá cẩm thì hãy cùng Phân bón Hà Lan điểm qua một số công dụng đặc biệt của loại cây này nhé!
Trong Đông Y:
- Lá cẩm có vị ngọt, tính mát và được dùng để chữa trị các bệnh như: Giảm ho, tiêu đờm, trị xuất huyết, cầm máu và các chứng đi tiêu chảy. Ngoài ra, các chấn thương ở gân, cơ bị bầm dập có thể dùng lá cẩm để chữa trị.
- Các bệnh rôm sảy ở trẻ em cũng có thể chữa trị bằng lá cẩm bằng cách dùng nước lá cẩm nấu lên để tắm.
Trong ẩm thực:
Trong ẩm thực, lá cẩm thường được dùng để tạo màu cho các món ăn, chẳng hạn như: Xôi ngũ sắc, mứt dừa, làm bánh hoặc thay phẩm màu cho các món thạch rau câu. Ngoài ra, lá cẩm còn được sử dụng cho việc làm đẹp của nhiều chị em phụ nữ, cụ thể như sau:
- Lá cẩm có thể dùng để giảm độ dầu nhờn trên da mặt, trị các loại mụn trứng cá.
- Dùng nước lá cẩm nấu lên và rửa mặt hàng ngày còn giúp cho da nhanh sáng màu, nâng tone da và trị các vết sạm nám trên da.
Cách trồng cây lá cẩm đơn giản ngay tại nhà

Lá cẩm là loại cây tương đối dễ trồng, chỉ cần bạn áp dụng đúng kỹ thuật thì bạn sẽ sớm sở hữu được một vườn lá cẩm tươi tốt, cho lá quanh năm để dùng cho các bài thuốc dân gian và món ăn của gia đình. Sau đây, chúng tôi sẽ hướng dẫn chi tiết cho bạn kỹ thuật trồng lá cẩm đơn giản ngay tại nhà:
Chuẩn bị đất và cây giống
Cây lá cẩm không đòi hỏi quá cao về điều kiện sống, bạn có thể trồng trong thùng xốp, chậu cây hoặc trồng ra đất đều được. Ngoài các loại đất thịt có độ tơi xốp cao thì bạn có thể trộn giá thể trồng cây lá cẩm với hỗn hợp như : Mùn dừa, xỉ than và phân bón để trồng cây.
Về phần cây giống, hiện nay cây lá cẩm có thể trồng từ hạt giống hoặc từ các cây con, cụ thể như sau:
- Nếu chọn hạt giống thì bạn nên mua ở các đơn vị cung cấp giống uy tín, hạt giống được chọn cần chắc mẩy để tăng khả năng nảy mầm và phát triển.
- Nếu chọn giống cây con thì nên chọn cây con được ươm trồng bởi người dân tộc để cho giống cây khỏe, dịch chiết màu đậm. Nên nhớ, hãy chọn các cây có thân khỏe, lá xanh tươi và đều đẹp.
Cách trồng cây lá cẩm đơn giản tại nhà
Sau khi đã chọn được giống cây lá cẩm ưng ý thì bạn sẽ tiến hành các kỹ thuật trồng sau đây:
- Đối với hạt giống: Nên ngâm hạt giống trong nước ấm khoảng 30 phút đến 1 giờ. Sau đó, cho hạt giống ươm trong chậu bằng cách rải đều lên mặt đất và phủ lên một lớp đất bên trên. Tiếp theo, tưới phun sương cho đến khi hạt giống phát triển thành cây con. Chọn các cây khỏe và tách ra trồng riêng qua các chậu, thùng xốp…
- Đối với cây con: Nên chọn cây khỏe mạnh, trồng vào chậu hoặc thùng xốp đã chuẩn bị sẵn giá thể đất phù hợp và tưới nước cho đất ẩm hàng ngày là được.
>>> Tìm hiểu thêm: Kỹ thuật làm đất trồng rau sạch hiệu quả
Cách chăm sóc cây lá cẩm phát triển khỏe mạnh

Sau khi chia sẻ cho bạn chi tiết về cách trồng cây lá cẩm thì tiếp theo đây chúng tôi sẽ hướng dẫn cho bạn kỹ thuật chăm sóc lá cẩm, giúp cây phát triển mạnh và cho lá quanh năm.
- Ánh sáng và nhiệt độ: Cây lá cẩm ưa trồng trong bóng râm, nhiệt độ khoảng trong 30 đến 32 độ là cây sẽ sinh trưởng tốt nhất.
- Tưới nước: Trong những ngày đầu mới trồng nên tưới nước vào buổi sáng và chiều, để cây khỏe và nhanh bén rễ. Sau khi cây đã phát triển ổn định thì chỉ cần kiểm tra đất hàng ngày, nếu đất ẩm thì không cần tưới nước nữa.
- Bón phân: Sau khi cây đã quen với môi trường sống, bạn nên tiến hành bón phân thúc để rễ phát triển và giúp cây hút được nhiều chất dinh dưỡng hơn. Nên bón nhiều phân đạm và phân chuồng để giúp cây phát triển chiều cao và mọc thêm nhiều cành. Muốn tăng cường dưỡng chất cho lá, bạn nên bón thêm phân NPK và một số loại phân bón kích thích lá phát triển.
- Thay chậu: Nếu không trồng ngoài đất mà trồng trong các chậu cây, thùng xốp thì mỗi năm bạn nên thay đất cho cây lá cẩm 1 lần. Điều này sẽ đảm bảo nguồn đất mới đủ dinh dưỡng hơn để cây phát triển tốt nhất.
Thu hoạch cây lá cẩm
Với cách trồng cây lá cẩm mà chúng tôi chia sẻ ở trên sẽ giúp bạn thu được lượt lá cẩm đầu tiên chỉ sau khoảng từ 30 – 40 ngày. Lưu ý, khi thu hoạch, bạn nên cắt nguyên cây và chỉ chừa khoảng 10 – 15 cm nhằm tạo điều kiện để cây ra nhánh và lá mới để thu hoạch cho mùa sau.
Như vậy, trên đây chúng tôi đã chia sẻ cho bạn cách trồng cây lá cẩm đơn giản ngay tại nhà với những nguyên liệu đơn giản, dễ tìm. Mong rằng, với những thông tin mà chúng tôi chia sẻ có thể giúp bạn sở hữu một vườn lá cẩm tươi tốt và phát triển quanh năm.