Trong quá trình chăm sóc, nuôi trồng các loại cây sinh trưởng và phát triển, tình trạng cây bị ngộ độc NPK đang là mối lo, đáng quan ngại của nhà nông. Vậy làm thế nào để nhận biết cây bị ngộ độc NPK một cách nhanh chóng để khắc phục kịp thời, không gây ảnh hưởng tới chất lượng cây trồng? Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu chi tiết về loại bệnh này trong bài viết dưới đây.
NPK là gì?
NPK là một dạng phân bón, cung cấp dinh dưỡng cần thiết cho cây trồng rất phổ biến hiện nay. Loại phân bón này là dạng hỗn hợp có chứa 3 nguyên tố dinh dưỡng đa lượng và cụ thể là 3 nguyên tố dinh dưỡng N, P, K (Nito – Photpho – Kali). Chúng bổ sung và thúc đẩy sự phát triển của cây trồng và cho hiệu quả năng suất cao hơn.
Hiện nay trên thị trường các công ty phân bón thường sản xuất 2 loại NPK ở dạng phân phức hợp hoặc dạng phân trộn. Trong đó, phân phức hợp được điều chế sản xuất từ tác dụng hóa học của các nguyên liệu, thành tố ban đầu. Còn phân trộn tức là dạng phân trộn lẫn cơ học các thành tố ban đầu là N, P, K…
Các dấu hiệu nhận biết cây bị ngộ độc NPK
Hiện nay, bà con nông dân gặp tình trạng cây trồng bị ngộ độc NPK khá phổ biến. Tuy nhiên khi cây bị ngộ độc NPK sẽ có 3 loại biểu hiện cũng như mức độ ảnh hưởng là khác nhau. Bởi vậy, trong quá trình nuôi trồng, bà con cần thường xuyên theo dõi xem cây trồng của mình có bị hiện tượng ngộ độc nào không, để có hướng điều trị kịp thời.
Ngộ độc cấp tính
Trường hợp cây bị ngộ độc NPK cấp tính tức là lượng phân bón NPK mà cây trồng hấp thu vào là quá nhu cầu và vượt ngưỡng chịu đựng của cây. Trong trường hợp này sẽ xuất hiện một số dấu hiệu sau:
- Xuất hiện các đốm đen nhỏ ở phần bìa hoặc chóp lá. Tình trạng này xuất hiện là bởi khi cây trồng bị ngộ độc thường sẽ có xu hưởng thải độc tố, chất dư thừa trên lá và sẽ đọng lại ở phần chóp và bìa lá. Điều này dẫn tới việc là có các đốm đen.
- Thông thường, phần chóp lá sẽ theo hướng cong xuống và lá cây trồng sẽ có màu xanh đậm bất thường nếu bị ngộ độc NPK. Trường hợp này khiến cho thân cây cao nhưng rất yếu và chậm phát triển.
- Nếu tình trạng ngộ độc cấp tính xảy ra mà không được xử lý kịp thời sẽ dẫn tới các lá cuối cùng chuyển màu vàng, nâu và rụng đi.
Ngộ độc do bị cháy phân
Ngộ độc NPK do cháy chân tức là tình trạng ngộ độc cục bộ do phân tán lượng phân không đều và gây ra một số bộ phận của cây bị héo khô, cháy xém. Tình trạng này hay xuất hiện ở lá và rễ cây:
- Cháy lá: Đối với các loại phân bón lá không hòa tan sẽ tiếp xúc với lá và gần như sẽ hấp thụ trực tiếp. Chính bởi vậy, khi sử dụng loại phân bón này các bạn cần chú ý tới liều lượng. Nếu không lá sẽ bị ngộ độc, dẫn tới tình trạng vàng nâu, khô, thậm chí cháy xém.
- Cháy rễ: Vào mùa mưa hay tưới nước quá nhiều thì đất thường bị ngập úng, khi đó phần rễ non của cây sẽ phát triển trồi trên mặt đất để lấy oxy. Tuy nhiên, nước chưa kịp rút, rễ cây chưa kịp trở lại xuống mặt đất như bình thường mà chúng ta đã vội bón phân dạng rắn thì sẽ gây ra tình trạng cháy rễ non. Dấu hiệu rõ rệt của vấn đề này là cây thường héo rũ vào buổi trưa và trở nên tươi tắn hơn về xế chiều.
Ngộ độc do bị mất cân bằng dinh dưỡng
Đối với cây trồng, nhu cầu dinh dưỡng về phân bón NPK (phân đạm – lân – kali) là rất lớn. Tuy nhiên, nếu chúng ta bón quá nhiều, dư thừa chất sẽ dẫn tới tình trạng ngộ độc cấp tính đồng thời gây ức chế sự hấp thu các nguồn dưỡng chất khác, gây mất cân bằng dinh dưỡng. Bởi vậy, khi cây có biểu hiện thiếu một số chất dinh dưỡng cũng có thể là do ngộ độc NPK.
- Nếu xuất hiện tình trạng thừa đạm sẽ gây ức chế hấp thu kẽm trên cây trồng => gây ra thiếu kẽm
- Cây trồng bị ngộ độc kali sẽ gây ức chế hấp thu hàm lượng magie, canxi => gây ra thiếu magie, canxi.
- Nếu bà con bón quá nhiều lân sẽ dẫn tới tình trạng thiếu hụt lượng kẽm, sắt cho cây trồng.
Phân biệt cây bị độc NPK với các loại ngộ độc khác
Hiện nay, cây trồng gặp một số loại ngộ độc khác nhưng lại có biểu hiện tương tự với bị ngộ độc NPK. Để phân biệt được các loại ngộ độc thì các bạn hãy tham khảo ngay nội dung sau:
- Ngộ độc NPK: Thường biểu hiện ở thiếu một số chất dinh dưỡng như canxi, kẽm, sắt… hay dạng cháy phân (cháy lá, rễ…) hoặc lá bị chuyển xanh đậm bất thường và có đốm đen.
- Ngộ độc hữu cơ: Loại ngộ độc này gây ra tình trạng thối đen, có mùi tanh hôi ở rể và không mọc thêm rễ mới.
- Ngộ độc phèn: Biểu hiện của dạng ngộ độc này là lá già, vàng và có đốm nâu, suy yếu dần và chết. Phần rễ cây thì bị xoắn lại và có màu nâu đậm.
Hậu quả của việc ngộ độc NPK đối với cây trồng
Khi cây bị ngộ độc NPK mà chúng ta không có phương án khắc phục kịp thời sẽ gây ra nhiều hậu quả nặng nề. Cụ thể như sau:
- Nếu cây trồng bị ngộ độc phân lân thường sẽ tăng hấp thụ đạm nhiều hơn. Điều này lâu dần dẫn tới ngộ độc đạm và khiến tình trạng ngày càng tồi tệ hơn. Nó sẽ ảnh hưởng tới cơ quan sinh sản (hoa), cây chậm phát triển và ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm vụ mùa.
- Cây thường sẽ bị giảm quá trình quang hợp khi bị ngộ độc đạm, đặc biệt là đạm amoni (NH4+). Điều này gây ra tình trạng lá chuyển vàng trong khi cây vẫn còn xanh.
- Mặc dù, NPK là dạng phân bón cần thiết cho cây; tuy nhiên cần bón đúng liều lượng nếu quá dư thừa dẫn tới tích tụ muối trong đất. Từ đó sẽ làm cho cây bị yếu hơn và dễ mang các mầm bệnh như đạo ôn, thối thân, phấn trắng, sương mai, gỉ sắt…
Các biện pháp xử lý, khắc phục khi cây bị ngộ độc NPK
Nếu thấy cây trồng có biểu hiện bị ngộ độc NPK thì điều đầu tiên các bạn cần làm là ngưng bón phân. Sau đó, cần xác định rõ tình trạng ngộ độc của cây thuộc loại nào: ngộ độc cấp tính, cháy phân hay mất cân bằng dinh dưỡng để có hướng xử lý phù hợp.
Ngộ độc do cháy phân: Đầu tiên, bạn cần sử dụng nước để rửa trôi lượng phân dư thừa tích tụ trên cây, đặc biệt là cháy rễ. Đối với cây trồng trên cạn thì nước sẽ giúp pha loãng lượng phân và phân tán xuống các tầng đất dưới. Nếu là cây trồng dưới nước thì việc thay nước là điều cần thiết. Còn khi xảy ra tình trạng cháy lá thì bạn chỉ cần cắt bỏ phần lá hư là được.
Ngộ độc cấp tính: Nếu cây trồng gặp phải tình trạng này thì bà con cần sử dụng ngay các sản phẩm có khả năng giải độc, tăng cường sức khỏe cho cây… Bên cạnh đó, bà con cũng có thể bổ sung thêm phân hữu cơ giúp hệ đệm hoạt động hiệu quả và giảm độc tố do dư thừa phân bón.
Ngộ độc do mất cân bằng dinh dưỡng: Trong trường hợp này, bà con chỉ cần cân đối chất dinh dưỡng, bón phân theo đúng liều lượng nhà sản xuất. Hoặc có thể dụng dụng dạng phân hỗn hợp đã được pha sẵn theo tiêu chuẩn, nhu cầu từng loại cây.
Như vậy, nội dung bài viết trên chúng tôi đã chia sẻ tới các bạn về cách nhận biết cũng như hướng giải quyết khi cây trồng bị ngộ độc NPK. Hy vọng những kiến thức trên thực sự bổ ích giúp bà con nâng cao năng suất cây trồng và có vụ mùa bội thu.