Đối với sự phát triển, sinh trưởng và năng suất của cây trồng, độ phì nhiêu của đất luôn được xem là một trong những yếu tố quan trọng bậc nhất. Tuy nhiên, độ phì nhiêu là gì cũng như những đặc điểm độ phì nhiêu của đất là điều còn khá mới mẻ đối với nhiều người. Vì thế, ngay trong nội dung dưới đây, chúng ta sẽ cùng nhau giải đáp những câu hỏi này.
Độ phì nhiêu là gì?
Trên thực tế, có khá nhiều cách giải thích về độ phì nhiêu của đất. Tuy nhiên, mọi người có thể hiểu đơn giản rằng, độ phì nhiêu của đất chính là khả năng cung cấp đủ các chất và điều kiện cần thiết cho cây trồng phát triển. Độ phì nhiêu được thể hiện thông quá những yếu tố cơ bản sau:
- Khả năng cung cấp nước, oxi và dưỡng chất cho cây trồng.
- Đất có nhiệt độ, độ ẩm phù hợp.
- Đất tơi xốp, tạo điều kiện cho rễ cây phát triển, hấp thụ nước, oxy cùng các chất dinh dưỡng một cách hiệu quả nhất.
- Đất không chứa các yếu tố gây ô nhiễm như: sâu bệnh, chất hóa học độc hại, kim loại nặng.
Vì thế, độ phì nhiêu sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sinh trưởng, năng suất cây trồng. Có thể nói, độ phì nhiêu thể hiện tiềm năng canh tác, trồng trọt của đất.
Đặc biệt, các bạn cần chú ý rằng, mỗi giống cây lại có yêu cầu khác về lượng nước, dinh dưỡng đất trồng, nhiệt độ, độ ẩm… Do đó, từng loại cây trồng cần có tiêu chí riêng biệt xác định độ phì nhiêu của đất.
Thành phần trong độ phì nhiêu của đất
Độ phì nhiêu của đất được hình thành và cấu tạo bởi nhiều thành phần sinh học, vật lý, hóa học khác nhau. Trong đó, những thành phần quan trọng nhất bao gồm:
- Độ dày tầng đất canh tác: Đây là phần đất có vai trò quan trọng nhất, là nơi rễ cây phát triển, hút nước, chất dinh dưỡng. Đối với hầu hết các loại cây trồng, tầng đất canh tác cần hoàn toàn tơi xốp, không bị nén chặt và có độ sâu tối thiểu là 1m.
- Hàm lượng dưỡng chất: Chất dinh dưỡng có khả năng cung cấp cho cây trồng. Tất nhiên, mỗi loại cây lại có nhu cầu về chất dinh dưỡng khác nhau. Vì thế, từng dưỡng chất trong đất đều có công dụng riêng biệt.
- Cấu trúc của đất: Cấu trúc của đất do sự sắp xếp các hạt tạo thành, điều này quyết định đến sự tơi xốp, khả năng cung cấp oxy, nước cho rễ cây phát triển.
- Hàm lượng các chất hữu cơ dễ khoáng hóa trong đất.
- Khả năng cân bằng hài hòa các chất hóa học, phản ứng hóa học của các chất trong đất.
- Mật độ vi sinh. Đất có mật độ vi sinh phù hợp sẽ có khả năng chuẩn hóa chất dinh dưỡng tốt. Nhờ đó, cây sẽ có nguồn cung cấp chất dinh dưỡng dồi dào.
- Các yếu tố ảnh hưởng xấu, cản trở sự phát triển của cây trồng. Những thành phần này có thể là: kim loại nặng, muối cùng nhiều chất ô nhiễm khác do con người thải ra môi trường.
Các đặc điểm quan trọng của độ phì nhiêu là gì?
Trên thực tế, độ phì nhiêu của từng loại đất luôn có những đặc trưng rất riêng biệt. Chúng được thể hiện thông qua các đặc điểm cụ thể đó là:
- Độ phì nhiêu của đất cần khoảng thời gian rất dài để hình thành và phát triển đến trạng thái tốt nhất. Tuy nhiên, nếu phương pháp canh tác không hợp lý, độ phì nhiêu sẽ bị suy giảm vô cùng nhanh chóng.
- Đất có độ phì nhiêu cao luôn có hàm lượng chất hữu cơ, chất mùn cao.
- Sử dụng phân bón khi canh tác trên đất phì nhiêu luôn đạt hiệu quả cao hơn rất nhiều so với những khu vực đất cằn cỗi.
- Tùy từng loại đất, độ phì nhiêu tự nhiên sẽ có những đặc trưng riêng. Vì thế, mỗi loại cây trồng lại phù hợp canh tác trên một số loại đất nhất định.
Cách nhận biết đất có độ phì nhiêu cao
Đất có độ phì nhiêu cao là loại đất mang lại khả năng canh tác tốt, đây là cơ sở căn bản giúp chúng ta áp dụng thành công các kỹ thuật trong trồng trọt. Để có thể nhận biết đâu là loại đất có độ phì nhiêu cao, chúng ta cần dựa vào một số đặc điểm sau đây:
- Đất chứa hàm lượng chất dinh dưỡng dồi dào, dễ dàng chuyển hóa, giải phóng để cung cấp cho cây trồng phát triển.
- Đất giữ được chất dinh dưỡng dưới dạng hòa tan, không bị kết tủa. Nhờ đó, rễ cây có thể hấp thu dưỡng chất một cách hiệu quả nhất cho cây trồng phát triển.
- Tùy theo nhu cầu của từng loại cây trồng, đất có khả năng tự điều chỉnh khả năng cung cấp dưỡng chất phù hợp.
- Đất phì nhiêu có khả năng giữ ẩm tốt và cung cấp đủ nước cho cây trồng.
- Đất phì nhiêu có độ tơi xốp tốt, đủ không gian thoáng cho rễ cây hấp thụ khí oxi.
Nhìn chung, đất trồng phì nhiêu giúp chúng ta có thể canh tác đạt hiệu quả cao ngay cả khi không sử dụng phân bón. Thế nhưng, nếu ta liên tục sử dụng đất mà không bổ sung thêm các dưỡng chất cần thiết, đất sẽ rất nhanh trở nên cằn cỗi và làm sụt giảm năng suất cây trồng.
Phương pháp giúp cải thiện độ phì nhiêu cho đất hiệu quả
Thực tế cho thấy, dù đất có độ phì nhiêu cao, thế nhưng sau thời gian dài trồng trọt, thu hoạch, các chất dinh dưỡng, đặc tính tốt của đất trồng sẽ dần dần hao hụt đi. Do đó, để có thể canh tác, trồng trọt lâu dài, chúng ta cần có những phương pháp giúp cho đất trồng cải thiện được độ phì nhiêu tự nhiên.
Sử dụng phân hữu cơ
Sử dụng phân bón là cách hiệu quả nhất để ta bổ sung thêm chất dinh dưỡng cho đất. Tuy nhiên, mọi người cần lưu ý rằng, khi ta sử dụng phân bón hóa học, loại phân này sẽ không hòa tan hoàn toàn mà để lại cặn. Do đó, đất trồng sẽ nhanh chóng bị thoái hóa, mất đi sự phì nhiêu.
Do đó, cách tốt nhất đó là sử dụng các loại phân bón hữu cơ điển hình như Organic 1, Organic Gold, 3 Con Gà hay phân bón vi sinh. Đây là những loại phân được dùng để cải tạo, tăng độ phì nhiêu của đất.
Sử dụng nguồn nước sạch khi trồng trọt
Nguồn nước sử dụng cho trồng trọt không chỉ tác động đến năng suất cây trồng mà còn là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến đất trồng. Nước tưới cây cần được đảm bảo hoàn toàn sạch, không chứa các chất hóa học độc hại, kim loại nặng hay nước thải ô nhiễm.
Làm đất sau mỗi mùa vụ
Sau mỗi vụ mùa, đất cần được cày xới, phơi ải. Mục đích chính của việc này đó là giúp đất trồng tơi xốp, thoáng khí. Đồng thời, khi cày xới, phần đất nằm bên dưới, nơi chưa được rễ cây khai thác sẽ được đảo lên trên cho vụ mùa kế tiếp.
Trồng các loại cây xen canh phù hợp
Như đã nói, mỗi giống cây đều có nhu cầu riêng về chất dinh dưỡng. Vì thế, việc thâm canh một loại cây duy nhất sẽ khiến các chất dinh dưỡng trong đất mất đi sự cân bằng. Do đó, mọi người nên trồng luân canh, xen canh thêm một số cây trồng khác. Đặc biệt, trồng xen canh những giống cây họ đậu sẽ giúp đất tổng hợp, bổ sung thêm khoáng chất.
Độ phì nhiêu của đất là cơ sở không thể thiếu giúp chúng ta áp dụng hiệu quả mọi kỹ thuật, phương pháp canh tác, trồng trọt. Thông qua việc tìm hiểu về độ phì nhiêu là gì, đặc điểm độ phì nhiêu của đất, chúng ta sẽ có thêm những kiến thức vô cùng bổ ích, giúp cho việc trồng trọt luôn đạt được năng suất cao.