Không phải loại cây nào cũng có thể trồng hay gây giống bằng hạt. Một số nhà vườn lựa chọn phương pháp giâm cành để nâng cao hiệu quả nhân giống. Mặc dù đây là một phương pháp phổ biến và đơn giản nhưng người thực hiện cũng phải nắm được các kỹ thuật cơ bản. Cùng bài viết dưới đây tìm hiểu ngay kỹ thuật giâm cành chính xác giúp cây ra rễ nhanh, phát triển ổn định.
Ưu điểm của phương pháp giâm cành
Giâm cành là phương pháp trồng cây vô tính chỉ với một phần nhánh từ thân cây mẹ. Bằng cách chiết và giâm thì cành cây sẽ ra rễ, hình thành cây mới và sống độc lập. Một số loại thường được trồng bằng cách giâm cành như các loại rau ăn lá, khoai lang, gừng, tỏi, cây táo, cây nho, cây sung, cây lê… Một số loại hoa như hoa giấy, hoa hồng, hoa vạn niên thanh, sen đá, phú quý… cũng thường được nhân giống bằng cách giâm cành.
Trồng cây bằng cách giâm cành mang đến nhiều lợi ích cho quá trình nhân giống, phát triển cây trồng. Khả năng sản sinh ra rễ mới để cây có thể tự sinh trưởng là rất cao. Phương pháp nhân giống vô tình này giúp cây mới giữ được hầu hết các đặc điểm của cây mẹ. Nếu cây mẹ khỏe mạnh, cho ra nhiều hoa, nhiều quả thì khả năng cao cây con cũng như thế.
Những loại cây trồng lấy lá nếu trồng bằng phương pháp này còn đạt chỉ tiêu về sinh trưởng đồng đều. Lá cây phát sinh tập trung, thuận tiện cho việc thu hoạch và chất lượng của cây đồng nhất. Đối với các loại cây ăn quả có múi thì giâm cành giúp ngăn ngừa tình trạng phân ly biến dị, tạo ra tổ hợp cây ghép mới thuần nhất.
Kỹ thuật giâm cành đúng cách, đạt hiệu quả
Các dụng cụ cần chuẩn bị để thực hiện giâm cành bao gồm: dao, kéo cắt cành cây chuyên dụng; chậu cây; giá thể.
Chuẩn bị trước khi giâm cành
Trước khi giâm cành cần chọn được các cây giống đạt tiêu chuẩn. Tùy thuộc vào từng loại cây và mục đích sử dụng mà tiêu chí lựa chọn cây giống lại khác nhau. Những điểm chung của các giống cây này đều phải khỏe mạnh, sinh trưởng tốt. Cây lấy lá cần cho ra nhiều lá, cây cho hoa cần nở hoa nhiều và đẹp, cây ăn quả phải có nhiều quả và chất lượng quả thơm ngon. Cây giống để giâm cành cần đang sinh trưởng ổn định, được chăm sóc với chế độ tốt.
Chuẩn bị khu vực/ vườn ươm giâm cành
Khu vực giâm cành ở các nhà vườn lớn thường được gọi là vườn ươm. Vườn ươm phải là nơi có điều kiện khí hậu phù hợp với đặc điểm sinh trưởng và phát triển của cây giống. Nếu thời tiết tại thời điểm giâm cành gặp nhiều bất lợi như nắng gắt, sương muối, giá rét thì cần được che chắn, bảo vệ kịp thời. Khu vực giâm cành phải có nguồn nước tưới đầy đủ và sạch sẽ để cành có thể nhanh chóng ra rễ và phát triển tốt.
Tùy vào từng giống cây mà lượng ánh sáng cần thiết sẽ khác nhau, tuy nhiên nên lựa chọn khu vực có ánh nắng mặt thời để cây tiện quang hợp. Môi trường đất của vườn ươm cần nhiều dinh dưỡng và thoát nước tốt. Nếu đất của vườn ươm chưa đạt tiêu chuẩn về dinh dưỡng thì hãy bón phân hữu cơ trước khi chính thức giâm cành.
Hiện nay, có hai loại vườn ươm trên thị trường là cố định và tạm thời. Các nhà vườn chuyên nghiệp chuyên cung cấp cây giống sẽ thiết kế loại vườn ươm cố định, sử dụng lâu dài. Vườn ươm này có nhiệm vụ bồi dưỡng giống tốt và cung cấp số lượng cây giống lớn cho thị trường. Vườn ươm tạm thời thường là loại vườn tại nhà, chủ yếu để nhân giống cây số lượng nhỏ để sản xuất theo mùa.
Cắt và tiến hành giâm cành
Sau khi chọn được cây giống và chuẩn bị môi trường giâm cành phù hợp thì chúng ta tiến hành cắt cành cây. Bạn cần sử dụng một dao nhọn hoặc kéo sạch và cắt một vài cành khỏe mạnh. Vị trí cắt thường là khớp lá hoặc ngay dưới khớp cành một chút. Đây là nơi tập trung nhiều chồi rễ ngủ đông, khả năng giâm cành thành công sẽ cao hơn. Cành cây được chọn phải là cành khỏe mạnh, không nhiễm bệnh và không cần quá nhiều lá. Lý tưởng nhất là cắt các cành nón, hơi gầy và có chồi non mới mọc.
Sau khi cắt cành xong hãy tỉa bớt ⅔ số lá trên cành, nhiều lá và chồi có thể cản trở sự phát triển của rễ cây. Bạn nên dùng kéo sắc và cắt dứt khoát, không day cành lá để tránh làm cây tổn thương. Vết cắt đẹp nhất là chéo khoảng một góc 30 độ. Sau khi cắt xong thì hãy cắm xuống chậu đất đã chuẩn bị từ trước. Để kích thích cây mọc rễ nhanh thì bạn có thể bọc một lớp mật ong vào gốc cây trước khi giâm xuống đất.
Sau khi giâm cành vào đất thì hãy tưới nước cho cây, lưu ý là cần tưới đẫm nước giai đoạn đầu để cây có thể hình thành rễ nhanh chóng. Tuy nhiên nước không được tưới đến mức độ đọng thành vũng trên mặt đất vì như vậy nghĩa là nước đang không thoát ra được. Bạn có thể trùm bao nilon lên chậu cây để tăng độ ẩm xung quanh cành, kích thích cây mọc rễ.
Một cách giâm cành nữa là cắm cành vào nước. Các loại cây có rễ to như cây thân gỗ thì sẽ thích hợp trồng trong đất. Cây có rễ nhỏ như rau thơm thì nên giâm cành trong nước. Bạn chỉ cần chuẩn bị các chai nước hoặc bát nước và cắm phần thân dưới của cây vào. Sau đó chờ khoảng 2 tuần là cây sẽ đâm rễ, đối với cây trồng trong các chậu và bầu thì chờ khoảng 6 đến 8 tuần là sẽ có một cây non mới.
Thời gian giâm cành phù hợp
Kỹ thuật giâm cành là phương pháp nhân giống cây trồng nhanh chóng và có hiệu quả cao. Thời điểm thích hợp nhất để giâm cành là vào đầu mùa xuân. Tốt nhất là bạn nên cắt cành vào sáng sớm, khi cây giống đang còn cứng và nhiều nước. Chỉ cần chờ khoảng 2 tuần là rễ cây đã bắt đầu hình thành. Nên đặt chậu cây ở nơi có ánh sáng nhưng không để nắng chiếu trực tiếp vào cành đang giâm.
Tiến hành bón phân cho cành giâm
Đối với các loại cây giâm cành trong đất thì sau khoảng một tháng rưỡi là có thể tiến hành bón thúc cho cây. Bạn có thể bón phúc với phân chuồng, nồng độ pha loãng là 0.5% và tăng dần lên 1%. Tùy thuộc vào giống cây mà thời gian bón phân cũng như liều lượng phân bón sẽ khác nhau. Bạn nên tìm hiểu chi tiết về giống cây cần trồng để có liều lượng phù hợp nhất.
Cành giâm đạt tiêu chuẩn để xuất vườn
Cành giâm đạt tiêu chuẩn để xuất vườn là khi đã hình thành được một bộ rễ đủ lớn để phát triển độc lập. Nếu trồng cây trong bầu thì chỉ cần bỏ bao nilon ra, trồng cây trong chậu thì nhẹ nhàng tách chậu ra khỏi đất và cây. Bạn hãy đào những chiếc hố vừa đủ và cho cây non mới giâm được vào, sau đó lấp đất lại. Các nhà vườn giâm cành đi bán thì sẽ mang cả bầu hoặc chậu cây theo. Cây giâm trong nước thì chỉ cần nhấc ra khỏi mặt nước và cắm vào khu vực đất đã chuẩn bị sẵn.
Những lưu ý quan trọng khi tiến hành giâm cành
Nếu bạn quan sát thấy lá cây trên cành héo dần hoặc rễ không mọc ra sau khoảng 2 đến 4 tuần thì việc giâm cành khả năng cao đã thất bại. Một số trường hợp cành ra lá non nhưng vẫn không giâm thành công thì phần nhiều là do bên trong cành vẫn còn chất dinh dưỡng nên sau 2 – 4 tuần lá vẫn xanh tốt. Đối với trường hợp này thì bạn chỉ có thể tiến hành giâm lại cành mới.
Bài viết trên đã giới thiệu tới bạn kỹ thuật giâm cành chuẩn nhất của các nhà vườn. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình trồng cây, nhân giống cây trồng. Theo dõi Website để đón đọc các bài viết hữu ích khác về nông nghiệp.