Kỹ thuật trồng và chăm sóc cải ngồng

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cải ngồng

Cải ngồng lá loại rau xanh ăn lá hợp khẩu vị của đa số người Việt. Loại rau này có thời gian sinh trưởng ngắn, cách trồng và chăm sóc đơn giản, phù hợp để trồng sử dụng cho gia đình và cả kinh doanh. Nội dung bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn bạn các kỹ thuật trồng cải ngồng và chăm sóc cây cải ngồng cho năng suất cao, chất lượng tốt.

Đặc điểm cây cải ngồng

Cải ngồng là cây họ cải (Brassicaceae) có vị cay nhẹ khi ăn sống và vị ngọt thanh khi nấu chín. Đây là loại rau ăn lá phổ biến ở nước ta và được trồng ở mọi vùng miền từ Bắc vào Nam. Rau cải ngồng mang tính mát, thành phần dinh dưỡng đa dạng. Trong cải ngồng có chứa các vitamin C, K, A, vitamin nhóm B, khoáng chất Canxi, Sắt, Magie, Natri… và nhiều chất xơ.

Cải ngồng mang đến nhiều lợi ích cho cơ thể như:

  • Cải thiện hệ tiêu hóa
  • Tăng cường hệ thống miễn dịch
  • Ngăn ngừa các bệnh về tim mạch, thiếu máu, loãng xương
  • Hỗ trợ làm đẹp da
  • Duy trì sức khỏe cho đôi mắt
  • Là loại thực phẩm tốt cho người bị hen suyễn

Với nhiều tác dụng tích cực cho cơ thể, cải ngồng được ưa chuộng và trồng ở nhiều gia đình. Cải ngồng có thể trồng được quanh năm. Tuy nhiên, điều kiện thời tiết tốt nhất để trồng là từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau. Trong điều kiện thời tiết ẩm, se lạnh, rau sẽ phát triển nhanh mà không cần lo lắng nhiều về các loại sâu bệnh phá hoại.

Cải ngồng có thân mọc thẳng với chiều cao thu hoạch từ 10 – 40cm. Lá rau to, xanh lì và rất bắt mắt. Chiều dài lá từ 10 – 15cm. Khi thu hoạch, bạn có thể ăn cả phần lá, thân non và hoa của rau. Hoa của cây màu vàng, xếp 4 cánh hoa và mọc thẳng ở giữa cây. Chất dinh dưỡng trong cây một phần lớn để nuôi hoa. Chính vì vậy, hoa cải ngồng rất giàu dinh dưỡng.

Vậy kỹ thuật trồng và chăm sóc cải ngồng được thực hiện như thế nào? Bạn hãy theo dõi những nội dung tiếp theo của chúng tôi.

Kỹ thuật trồng cải ngồng

Chuẩn bị trước khi trồng cải ngồng

Cải ngồng lá loại cây tương đối nhỏ bé. Bạn có thể trồng cây trong sân vườn, ruộng và trong thùng xốp. Cây cần tưới nước hàng ngày nên bạn cần chuyển bị công cụ tưới phù hợp.

Cải ngồng là loại rau có tỷ lệ nảy mầm cao, gần như đạt >95% kể cả khi hạt ở đời F2, F3… Tuy nhiên, để quá trình phát triển của cây đạt chất lượng tốt nhất và phòng bệnh trong hạt, bạn vẫn nên mua hạt tại các đại lý hạt giống.

Ngâm ủ trừ bệnh và gieo hạt

Hạt khi mua về cần được ngâm ủ đề trừ nấm mốc và một số loại bệnh. Bạn có thể sử dụng một số loại thuốc ngâm phòng trừ sâu bễnh.

Sau khi ngâm thuốc, bạn đem hạt ngâm với nước ấm khoảng 50 độ C trong 2 giờ. Sau đó, bạn mang hạt ủ với vải ẩm trong 12 giờ để hạt nứt vỏ trước khi đem gieo.

Hoạt động gieo cải ngồng tương tự như các loại rau khác. Để hạt giống nảy mầm đều, bạn trộn hạt với đất khô tơi xốp rồi rải lên bề mặt đất trồng. Sau khi gieo, bạn trải thêm một lớp đất mỏng, tưới nhẹ nhàng lên bề mặt, tránh tưới mạnh làm xô đất và hạt giống.

Làm đất và trồng cải ngồng

Cải ngồng là loài mọng nước và dễ bị còi cọc, thậm chí chết khi đất không phù hợp. Đất phù hợp nhất để trồng được cải ngồng là đất thịt pha cát, đất giàu mùn, đất bazan, đất phù sa, đất màu tơi xốp. Đất nên được trộn cùng phân chuồng hoai mục để tăng độ xốp và dinh dưỡng cho cây phát triển.

Cải ngồng có thể phát triển trực tiếp trên bề mặt đất gieo. Tuy nhiên, nếu bạn muốn trồng thành các luống thì có thể lên luống để trồng như các loài cải khác. Luống trồng cải ngồng nên làm cao từ 20 – 25cm, bề mặt rộng 45cm. Trên một luống trồng 3 hàng cải, các cây thuộc hàng dọc cách nhau khoảng 15cm là phù hợp.

Kỹ thuật chăm sóc rau cải ngồng đơn giản

Tưới nước cho cây

Cải ngồng lá loài cây mọng nước. Trong quá trình gieo trồng, bạn nên tưới ướt bề mặt 2 lần/ngày vào sáng sớm và chiều mát. Tuy nhiên, loài này cũng dễ dàng bị úng thối thân và lá. Do vậy, bạn cần chú ý lượng tưới để tránh chết cây.

Giống như bất kỳ loại cây nào khác, bạn không nên tưới cây khi ánh nắng còn quá gắt. Tưới nước trong thời gian này sẽ làm nhiệt độ trong đất giảm đột ngột, trong khi nhiệt độ không khí xung quanh cao. Sự thay đổi và chênh lệch nhiệt này khiến cây dễ dàng bị sốc nhiệt và héo chết.

Bón phân cho cải ngồng

Khi cải ngồng đã phát triển được 7 ngày kể từ khi ra lá thật, bạn thực hiện bón thúc bằng phân NPK Hà Lan 20-20-15. Thực bón phân lặp lại vào ngày thứ 10 và 20 trong quá trình sinh trưởng của cải ngồng.

Một lưu ý khi bạn trồng cải là vòng đời của cải trong khoảng 30 – 50 ngày. Do vậy, từ ngày thứ 20 trở đi, bạn nên ngừng bón phân để cây khi thu hoạch không còn sót lại nhiều chất hóa học.

Tỉa lá

Trong quá trình phát triển của cải ngồng, bạn nên tỉa những lá gốc vàng úa để cây không cần nuôi dưỡng chúng. Khi lá xanh đã phát triển tới độ dài 10 – 15cm, bạn có thể tỉa để dùng cho bữa ăn hàng ngày.

Khi cây đã ra nụ hoa ở giữa và phát triển lớn, bạn nên hạn chế ngắt hoa để ngồng cải không vươn quá nhanh. Trong trường hợp hoa bắt đầu nở, bạn nên cắt cả cây và bảo quản dùng cho bữa ăn.

Phòng trừ sâu bệnh

Cây cải ngồng ưa khí trời ẩm, mát mẻ, se lạnh. Trong điều kiện thuận lợi này, bạn dường như không cần quan tâm quá nhiều đến sâu bệnh. Tuy nhiên, bạn vẫn cần kiểm tra để phát hiện sớm một số loại sâu xanh xuất hiện trong sâu ăn lá.

Tại các mùa khác trong năm, bạn cần thực hiện các biện pháp để phòng trừ sâu bệnh và côn trùng ăn lá, đặc biệt là loài bọ nhảy, sên, rệp. Bọ nhảy là loại gây hại nhiều nhất. Chúng thường cắn thủng lỗ chỗ trên lá, nhảy loạn khi có tác động từ con người.

Cách để diệt trừ các loài bọ nhảy là phun thuốc trừ sâu. Bọ nhảy hoạt động mạnh vào ban ngày và thường tập trung ở giữa nõn cây, nõn hoa vào chiều tối. Do đó, bạn nên phụ thuốc và chập tối để diệt trừ hiệu quả hơn.

Vào mùa nóng, cây dễ bị mất nước, héo úa. Do vậy, bạn cần có lưới che nắng, màn hoặc vật dụng che nắng cho rau. Bạn có thể sử dụng lưới chống côn trùng để vừa che nắng, vừa ngăn chặn sự xâm nhập của các loài côn trùng hại rau.

Thu hoạch và bảo quản cải ngồng

Cải ngồng có thể thu hoạch hoàn toàn sau khoảng 30 – 50 ngày gieo trồng. Bạn có thể tỉa lá ăn cho tới khi ngồng cải sắp nở hoa thì cắt cả cây. Cải ngồng có thể bảo quản trong tủ lạnh lên tới 1 tuần.

Để thời gian bảo quản được lâu hơn, bạn nên cắt vào ngày lá khô ráo, cắt nhẹ nhàng tránh dập nát. Cây cắt xong không rửa lại với nước mà bảo quản vào hộp nhựa thân thiện với môi trường. Biện pháp này vừa đảm bảo rau để được lâu, vừa đảm bảo cây không bị hao hụt nhiều chất dinh dưỡng.

Nội dung bài viết đã cung cấp đến bạn kỹ thuật trồng cải ngông và chăm sóc cây hiệu quả. Cải là loài dễ trồng, dễ chăm sóc, vòng đời thu hoạch ngắn nên phù hợp để trồng sử dụng cho gia đình và kinh doanh. Hy vọng với những chia sẻ ở trên, bạn có thể trồng được rau xanh sạch sử dụng hàng ngày.