Kỹ thuật trồng Măng Tây và cách chăm sóc hiệu quả

Kỹ thuật trồng Măng Tây và cách chăm sóc hiệu quả

Măng tây là loại rau dinh dưỡng được nhiều gia đình ưa chuộng đưa vào sử dụng trong bữa ăn gia đình. Nguồn gốc từ các nước Châu Âu du nhập vào nước ta, được trồng ở nhiều tỉnh thảnh, khu vực đem lại năng suất cao. Việc trồng theo đúng kỹ thuật, biết chăm sóc đúng cách tạo điều kiện cho giống rau này sinh trưởng tốt, cho thu hoạch cao. Tìm hiểu và áp dụng đúng kỹ thuật trồng măng tây đem lại hiệu quả cao khi canh tác.

Đặc điểm sinh thái

Măng tây là cây trồng lâu năm thuộc họ thân thảo, dạng cây bụi đồng thời cũng là loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao. Măng tây là cây ưa sáng, không chịu che rợp, thời gian chiếu sáng trên 7 – 8 giờ/ngày, nhiệt độ thích hợp là từ 15 – 30oC. Măng tây là cây mẫn cảm với đất trồng, đất trồng măng tây phải có độ phì cao, tới xốp, giàu mùn và độ pH 6-7 là tốt nhất.

Kỹ thuật trồng măng tây

Kỹ thuật trồng măng tây

Giống cây

Măng tây là loại cây được trồng bằng hạt (chủ yếu là hạt lai F1) với thời gian gieo trồng và chăm sóc cây con trong vườn ươm kéo dài khoảng 2 – 3 tháng. Sau khi cây phát triển đến khoảng 25 – 30cm, mỗi cây sẽ phân từ 2 – 3 thân chính, lúc này là thời điểm thích hợp để đem trồng ra ruộng sản xuất. Sau khoảng 5 tháng trồng nếu có quy trình chăm sóc tốt cây sẽ bắt đầu cho măng.

Thời gian cho măng sẽ kéo dài liên tục trong nhiều năm và theo chu kỳ sinh trưởng phát triển của cây. Măng tây chỉ phát triển và cho măng ở những cây trưởng thành, khi cây mẹ già năng suất măng bắt đầu giảm dần và cần phải được thay thế bằng một cây mẹ khác. Quá trình này mất khoảng từ 30 – 40 ngày, sau đó thì cây sẽ bắt đầu cho măng, và tiếp tục khai thác đợt tiếp theo.

Thời vụ trồng

Bạn có thể trồng măng tây quanh năm, nếu chủ động được nguồn nước tưới và chủ động gieo ươm cây con tuân theo đúng các yêu cầu kỹ thuật. Tuy nhiên cần tránh trồng vào các thời điểm có lượng mưa quá lớn trong năm.

Chuẩn bị đất trồng

Để măng tây có thể phát triển tốt bạn nên chuẩn bị các loại đất phù sa, đất đỏ, đất xám, thịt nhẹ có pha cát; Nên ưu tiên các loại đất có độ tơi xốp cao, giàu mùn, giàu chất hữu cơ; Tốt nhất nên trồng măng tây ở nơi có thế đất cao ráo, dễ thoát nước; có tầng canh tác dày từ 30 – 40 cm. Cần đảm bảo độ ẩm đất trung bình từ 65 – 70% với mức pH từ 6,6 – 7,0, không bị phèn chua, không xảy ra tình trạng bị ngập úng trong mùa mưa, chủ động tưới nước trong mùa nắng. Trước khi tiến hành trồng măng tây bạn nên cày bừa đất kỹ, phơi ải, nhặt sạch cỏ dại, xử lý nấm bệnh và tuyến trùng, san cho bằng phẳng và bón vôi từ 1200 – 1500 kg/ha (Thời điểm tốt nhất để bón vôi là trước khi cày đất để vôi có thể được đảo đều với đất). sau đó bạn tiến hàng lên liếp rộng 100 – 120 cm, cao 20 – 25cm.

Bón lót trên bề mặt liếp sử dụng cuốc đào một rãnh dọc theo chiều dài rộng 50cm, sâu 25cm hoặc có thể đào hố có kích thước 40-40cm cách nhau 45-50cm. Sau đó đảo đều phân với đất với lượng 12 – 15 tấn phân hữu cơ hoặc 7 – 10 tấn phân hữu cơ sinh học, 150 – 170 kg NPK 16-16-8 + TE hoặc 130 – 150 kg NPK 20-20-15 + TE cho 1ha đất trồng. Sau 1 tuần bón phân thì tiến hành trồng cây.

Cách chăm sóc và bón phân măng tây

Cách chăm sóc và bón phân măng tây

Sau trồng 15 – 20 ngày: Chọn giữ lại 4-6 cây mẹ khỏe mạnh trên 1 bụi, tỉa bỏ cây nhỏ, cây già và cây bị sâu bệnh. Làm sạch cỏ non, xới xáo vun đất đậy gốc, bón thúc 70 – 100 kg/ha phân NPK 16-16-8 + TE hoặc phân NPK 20-20-15 + TE (tốt nhất là pha với nước tưới để giúp cây hấp thụ tốt hơn).

Thường xuyên làm cỏ, tỉa bỏ cây già chỉ để 4 – 6 cây mẹ khỏe mạnh trên 1 bụi, xới xáo vun đất đậy gốc, trung bình mỗi tháng bón thúc 100 – 120 kg/ha phân NPK 16-16-8 + TE hoặc phân NPK 20-20-15 + TE.

Khoảng 120 – 140 ngày sau trồng: Quan sát thấy cây mẹ phát triển tốt, đường kính thân cây đạt >10-12mm và lá chuyển sang màu xanh đậm thì chọn giữ lại 4 – 6 cây mẹ khỏe mạnh trên 1 bụi, sau đó tiến hành cắt hạ bớt ngọn măng ở độ cao 1,20m nhằm kích thích việc trổ măng, kết hợp dưỡng cành lá thật sum suê để đón ánh nắng quang hợp nuôi dưỡng cây măng. Ngoài ra cần tỉa bỏ cây già, cây bị sâu bệnh, cây nhỏ và cành lá mọc ở phần gốc khoảng 40 – 50cm giúp thông thoáng gió phòng tránh các bệnh hại cho cây, dọn sạch cỏ non, vun xới kỹ đất đậy gốc, bón thúc 100 – 120kg/ha phân NPK humax 16-16-8 hoặc phân NPK 20-20-15 + TE.

Sau quá trình chăm sóc cắt hạ bớt ngọn từ 5-10 ngày: Cây sẽ bắt đầu trổ măng tơ, tiến hành thu hoạch nhanh chóng cho bằng hết lứa măng tơ này để cây măng có chỗ trống chuẩn bị cho ra đời lứa măng kế tiếp với số lượng nhiều hơn và khỏe mạnh hơn. Thu hoạch lứa măng tơ mỗi ngày, được 12-15 ngày thì bón thúc 100 – 120kg/ha phân NPK 16-16-8 hoặc phân NPK 20-20-15 + TE thu hoạch tiếp 12-15 ngày nữa thì ngưng thu hoạch.

Khoảng 2 tuần sau khi ngưng thu hoạch: Trên 1 bụi chọn 4 – 6 cây mẹ thay thế là những cây đủ lớn, khỏe mạnh không bị sâu bệnh, sau đó tiến hành tỉa bỏ cây mẹ già, cây không đủ điều kiện làm cây mẹ thay thế. Sau 15 -20 ngày, cây mẹ phát triển hoàn chỉnh tiến hành hạ bớt ngọn cây để kích thích trổ măng, bón thúc từ 12 – 15 tấn/ha phân chuồng hoai mục hoặc 7 – 10 tấn/ha phân hữu cơ vi sinh kết hợp với 100 kg/ha phân NPK 16-16-8 + TE hoặc NPK humax 16-16-8. Sau 7 -10 ngày cây ra đợt măng mới, bắt đầu thu hoạch đợt măng thứ 2 và kéo dài khoảng 2 tháng. Sau đó nghỉ dưỡng cây măng mẹ khoảng 1 tháng, rồi tiến hành thu hoạch tiếp lứa măng thứ 3 kéo dài khoảng 3 tháng. Cứ thế, lặp lại quá trình dưỡng cây và thu hoạch các lứa măng tiếp theo.

Trong 1 chu kỳ thu hoạch măng tây kéo dài từ 85 – 95 ngày, mỗi chu kỳ cần bón thúc 1 lần phân chuồng hoai mục hoặc hữu cơ sinh học kết hợp với phân bón NPK và bón thúc phân theo chu kỳ 15 -17 ngày/lần để cung cấp đầy đủ dinh dưỡng cho cây đồng thời đảm bảo được năng suất cây trồng.

Tưới nước

Tưới nước chăm sóc măng tây

Thường xuyên tưới nước để cung cấp đủ độ ẩm cho đất để cây phát triển tốt. Khi vào mùa nắng thì có thể tưới 2 – 3 lần một ngày, lưu ý không nên tưới nước cho măng tây vào sau 5h chiều để không làm ảnh hưởng đến các mầm măng mới nhú, có thể phủ rơm rạ, tro trấu hoặc dùng sơ dừa để giữ ẩm. Khi mùa mưa đến thì cần phải chú ý chuẩn bị các rãnh thoát nước tốt, kiểm tra mực nước tưới thường xuyên, tuyệt đối không được để đất bị ngập úng, nếu không cây măng tây sẽ bị thối rễ và chết gốc.

Cắm cọc, giăng dây tránh đổ ngã: Trên cùng hàng cây trồng, chen giữa các cây măng, tiến hành cắm các cọc tre có đường kính khoảng 5cm, chiều cao khoảng 120cm và cách nhau 3-4m. Sử dụng dây cước nilon chắc chắn giăng thành hàng đôi (kẹp cây măng ở giữa), cách mặt liếp ở độ cao tầm 50cm; rồi giăng thêm dây hoặc nâng dần đôi dây lên cao khoảng 75cm, 90cm, 100cm phụ thuộc độ cao lớn của cây để giúp cây luôn đứng thẳng.

Phòng trừ sâu bệnh hại

Nếu chọn và xử lý đất tốt trước khi trồng, chăm sóc sử dụng phân bón đúng liều lượng thì măng tây rất ít sâu bệnh hại. Tuy nhiên, cần chú ý phòng và có biện pháp trị kịp thời một số đối tượng dịch hại như sâu ăn lá, bọ trĩ, rệp…, một số bệnh như bệnh thán thư, mốc sương, thối măng , thối rễ, đốm lá, phấn trắng, … Đặc biệt khi vào mùa mưa măng tây rất dễ bị một số bệnh hại như thán thư, mốc sương, phấn trắng, đốm lá, thối măng, thối rễ … Nên ưu tiên dùng những loại thuốc trừ sâu có nguồn gốc thảo mộc và vi sinh nhằm đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cho măng tây khi thu hoạch.

Kết luận

Có thông tin chi tiết về kỹ thuật trồng và chăm sóc măng tây sẽ là những kiến thức hữu ích để mỗi người áp dụng trong canh tác giống cây này. Dù là trồng ở diện tích lớn hay nhỏ, cho mục đích gì thì việc áp dụng đúng kỹ thuật trồng măng tây, đúng tiêu chuẩn sẽ tạo điều kiện cho măng tây phát triển tốt, đem tới năng suất cao và thành phẩm đạt chất lượng. Đạt năng suất cao tính trên diện tích trồng cụ thể mang tới lợi ích kinh tế cao, từ đó giúp bà con nông dân có thêm nguồn thu nhập từ giống cây trồng này.