Cây ngô hay bắp là một trong hai loại cây lương thực có diện tích canh tác lớn nhất ở nước ta hiện nay. Chính vì thế, loài cây này chắc hẳn đã vô cùng quen thuộc với bà con nông dân. Tuy nhiên, kỹ thuật trồng ngô là điều mà chưa nhiều người thực sự nắm rõ và đó cũng là nội dung mà chúng ta sẽ tìm hiểu dưới đây.
Lựa chọn thời vụ trồng ngô phù hợp
Muốn trồng ngô đạt hiệu quả năng suất cao nhất, chúng ta cần lựa chọn đúng thời vụ thích hợp. Thông thường, thời gian gieo hạt tích hợp nhất sẽ rơi vào khoảng 15 tới 25 tháng 9 hàng năm. Đây là thời điểm có thời tiết, nhiệt độ, độ ẩm thích hợp cho sự phát triển của cây ngô con.
Ngoài ra, đối với một số giống ngô mới, thời vụ gieo trồng cũng có sự khác biệt nhưng không nhiều. Vì thế, khoảng thời gian kể trên sẽ là thời điểm vàng để chúng ta bắt đầu một vụ mùa mới.
Hướng dẫn kỹ thuật trồng ngô cơ bản
Lựa chọn hạt giống
Hiện nay, có khá nhiều giống ngô cho năng suất cao, có khả năng chịu hạn, chịu lạnh khá tốt. Vì thế, tùy theo tình hình thời tiết, khí hậu cụ thể của từng khu vực mà bà con nên lựa chọn loại ngô giống phù hợp.
Một số giống ngô tiêu biểu như:
- Giống ngô nếp: HN88, MX4, MX10…
- Giống ngô chịu hạn: CP333, NK4300, LVN885…
Cách ngâm hạt, làm bầu giống
Khi ngâm hạt giống, bà con cần tính toán khối lượng phù hợp với diện tích trồng. Nếu trồng ngô tẻ, chúng ta sẽ cần khoảng 0.5 kg ngô giống cho một sào. Đối với một sào ngô nếp, mọi người cần chuẩn bị khoảng 0,3 hoặc 0,4 kg hạt giống.
Chúng ta sẽ tiến hành ngâm hạt như sau:
- Ngâm hạt giống trong nước ấm từ 3 đến 4 giờ đồng hồ, sau đó vớt lên và rửa sạch nhớt bằng nước sạch.
- Ủ hạt giống đã ngâm bằng vải sạch hoặc cát. Thường xuyên tưới nước để giữ độ ẩm cho tới khi hạt ngô giống nứt nanh.
- Tra hạt giống đã nứt nanh vào bầu đất. Thông thường, cây con sẽ có thời gian phát triển khoảng một tuần trong bầu đất trước khi được đem trồng ngoài đồng ruộng.
Ngoài ra, trước khi đặt bầu ngô ngoài ruộng, mọi người có thể pha thuốc kích rễ và tưới cho cây để tăng khả năng phát triển.
Cách làm đất trồng ngô
Làm đất là một công đoạn quan trọng cần hoàn thành trước khi trồng ngô. Trước hết, ta cần làm sạch cỏ dại và các tàn dư thực vật từ vụ mùa trước. Sau đó, tùy theo cách trồng ngô theo bầu hay gieo hạt trực tiếp, chúng ta sẽ làm đất theo kỹ thuật phù hợp.
Nếu trồng ngô với bầu ươm, ta cần một diện tích trồng bằng phẳng để thuận tiện cho việc thoát nước. Tiếp theo, bà con dùng cuốc để tạo luống, mỗi luống sẽ có chiều rộng khoảng 50 cm. Khoảng cách tiêu chuẩn giữa hai luống từ 50 – 60 cm.
Nếu gieo hạt trực tiếp, ta sẽ cày đất thành các dãy có độ rộng từ 1 tới 1,2 mét. Các rãnh ở giữa cần rộng từ 30 tới 40 cm và độ sâu khoảng 20cm, dùng để thoát nước khi trời mưa nhiều.
Cách gieo trồng
Đối với mô hình canh tác ngô, mật độ tiêu chuẩn nhất sẽ là 60000 cây trên diện tích một héc ta. Nếu trồng bằng bầu ươm, bà con sẽ tạo các hốc trên luống và đặt bầu ngô vào, phủ đất kín gốc và tưới nước. Giữa các hốc trên cùng một luống có khoảng cách ít nhất 30 cm.
Khi gieo hạt trực tiếp, ta sẽ tra 1 hoặc 2 hạt cho mỗi hốc trên dãy đất đã cày. Các hốc cách nhau 10 cm.
Ngoài cách tra hạt, đặt bầu kể trên, mọi người cần ghi nhớ những lưu ý sau khi trồng ngô:
- Trước khi đặt bầu, cần tháo cạn nước đang tồn đọng trên ruộng.
- Không đặt bầu tiếp xúc trực tiếp với phân lót và phủ đất kín cây con.
- Khi gieo hạt hoặc đặt bầu, cần hết sức nhẹ nhàng, tránh ảnh hưởng đến rễ cây trong bầu và mầm hạt ngô giống.
Chăm sóc cây ngô sau khi trồng
Phương pháp bón phân
Có thể nói, bón phân là một trong những yếu tố quyết định lớn nhất đến thu hoạch của ruộng ngô. Đối với loại cây lương thực này, ta cần thực hiện hai quy trình bón phân chính đó là bón lót và bón thúc.
Bón lót cần được thực hiện trước khi đặt bầu hoặc gieo hạt. Lúc này, bà con nên sử dụng phân hữu cơ 3 con gà hoặc phân hữu cơ Organic 1 cho các hốc đã tạo, sau đó phủ lên một lượt đất nhẹ.
Về khối lượng, bà con cần chuẩn bị 50- 70 kg phân bón hữu cơ cho 1000 mét vuông diện tích đất trồng ngô.
Bón thúc sẽ được thực hiện sau khi gieo trồng, mỗi vụ mùa cần có 3 lần bón thúc như sau:
- Bón thúc lần 1: Sử dụng phân NPK Hà Lan 20- 20-15 với khối lượng trung bình 0,5 – 1kg cho 1000 mét vuông trồng ngô, bón sau khi trồng khoảng 3 đến 5 ngày, khi cây đã bắt đầu bén rễ.
- Bón thúc lần 2: Bón phân NPK Hà Lan 20- 20- 15 khi cây ngô đã phát triển được 5, 6 lá. Khối lượng phân bón trung bình trên diện tích 1000 mét vuông gieo trồng khoảng 0,5- 1kg phân.
- Bón thúc lần 3: Bón thúc lần 3 sẽ thực hiện khi ngô có 10- 11 lá. Vào thời điểm này, bà con sẽ dùng loại phân NPK Hà Lan 17- 7- 17 hoặc NPK Hà Lan 16-9-21 khối lượng 0,5- 1kg/1000 mét vuông.
Ngoài việc bón phân đầy đủ theo các lần như trên, bà con cần chủ động tưới nước thường xuyên nếu trời ít mưa, giữ độ ẩm cho đất ở mức tiêu chuẩn là 70- 80%.
Phòng tránh sâu bệnh
Một số loại sâu hại thường thấy ở ngô đó là: sâu đục thân, sâu đốm lá, sâu keo. Để có thể phòng trừ các loại sâu bệnh này, chúng ta cần kiểm tra, thăm ruộng thường xuyên để có thể phát hiện sớm và tiến hành phun thuốc đặc trị. Bên cạnh đó, bà con nên làm sạch cỏ trên ruộng ngô, hạn chế sâu bệnh trú ngụ và lây lan.
Ngoài ra, ta cần phòng tránh một số bệnh thường gặp ở cây ngô chẳng hạn như vàng lá, huyết dụ, đốm lá. Hầu hết các bệnh ở ngô đều có nguyên nhân do thời tiết quá lạnh hoặc quá khô. Chính vì thế, bà con nông dân có thể chủ động phòng tránh bằng cách tưới nước giữ độ ẩm và bón phân đầy đủ, tăng sức khỏe, sức đề kháng cho cây.
Tuy nhiên, khi các bệnh lý này xuất hiện, chẳng hạn như bệnh đốm lá, mọi người nên tỉa bỏ phần lá bị bệnh, tránh để chúng lây lan rộng hơn. Tiếp theo, để có thể chữa bệnh triệt để, ta cần sử dụng các loại thuốc đặc trị. Thế nhưng, nếu muốn trị bệnh hiệu quả, điều quan trọng nhất đó là phát hiện bệnh sớm. Vì thế, bà con nên thường xuyên chăm bón, quan sát tình hình phát triển của cây ngô.
Qua đây, chắc hẳn mọi người đều đã nắm rõ các kỹ thuật trồng ngô (bắp). Mong rằng bà con có thể áp dụng thành công những phương pháp, kỹ thuật này cho ruộng ngô của mình, từ đó có được mùa màng tươi tốt, bội thu.