Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây quất cảnh ra quả đúng dịp Tết

Kỹ thuật trồng và chăm sóc cây quất cảnh ra quả đúng dịp Tết

Quất là một trong những loại cây cảnh được nhiều gia đình lựa chọn trưng bày nhiều nhất vào dịp tết đến xuân về. Cây quất đáp ứng tốt về đặc điểm hình dáng bên ngoài và cả ý nghĩa tốt đẹp đầu năm. Trong bài viết này, công ty phân bón Hà Lan sẽ hướng dẫn bạn kỹ thuật trồng cây quất cảnh cho ra quả đúng dịp tết.

Ý nghĩa của hình ảnh cây quất cảnh ngày tết

Cây quất, cây tắc hay cây hạnh có tên khoa học là Citrus japonica và là cây thuộc họ nhà cam Rutaceae. Quất là cây thân gỗ có chiều cao trung bình 1 – 1.5m, lá đơn, có hình bầu dục và màu xanh thẫm tự nhiên. Quất có thể ra hoa và đậu quả rất sai, quả tròn xanh và ngả về màu vàng, cam vàng khi về già. Hoa quất 5 cánh màu trắng tinh khôi, mang mùi thơm dịu nhẹ.

Bên cạnh mai, đào, hình ảnh cây quất nặng trĩu quả, xum xuê lá và quả chín vàng cam là hình ảnh tràn ngập đường phố và miền quê nhân dịp cuối năm. Theo quan niệm dân gian từ đời xa xưa, cành quất nặng trĩu quả là biểu tượng cho sức khỏe, bình an, may mắn và trường thọ của mỗi người trong năm mới. Quất đón tết chính là biểu tượng cho sự sum vầy và đoàn tụ của gia đình.

Về màu sắc, cây quất lá xanh, quả vàng tươi thể hiện sự tươi mới, trù phú và đủ đầy. Sử dụng quất với ý nghĩa thể hiện một năm mới được mùa, tạo ra của ăn của để và cả sức khỏe dồi dào. Dù ở miền nào của tổ quốc, quất đều là hiện thân của những điều tốt đẹp, chúc một năm mới an khang thịnh vượng.

Công dụng của cây quất

Công dụng của cây quất

Quất có rất nhiều công dụng trong cuộc sống hàng ngày của người dân Việt. Loài cây không chỉ làm cây cảnh trang trí mùa xuân mà còn là vị thuốc tự nhiên hiệu quả. Từng bộ phận trên cây như quả, hoa và lá đều có những công dụng tốt đẹp khác.

Quả quất chín qua bàn tay khéo léo của con người có thể tạo nên những món ăn bổ dưỡng và ngon miệng như mứt quất, bánh hương tắc, chân gà ngâm sả tắc và những món nộm thơm ngon.

Lá và quả quất còn có tác dụng lớn trong quá trình chữa bệnh. Trong đông y, quất có vị chua, ngọt và mang tính ấm cho phế, vị và can. Công dụng hàng đầu của quả quất là trị ho, tiêu đờm, giải uất, giải rượu và tiêu cơm. Hạt quất có tác dụng hiệu quả trong chống nôn, giảm ho và cầm máu. Lá quất có vị cay đắng giúp điều hòa, cải thiện chức năng khang, thông phế quản, tiêu hạch…

Bạn có thể thấy được các bộ phận trên quất đều mang một tác dụng nào đó đối với đời sống con người. Do vậy, bên cạnh nuôi trồng làm cây trưng bày tết, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm từ quất hàng ngày vô cùng lớn.

Kỹ thuật trồng cây quất ra đúng dịp Tết

Chuẩn bị cây giống

Thông thường, quất con được tạo ra từ quá trình chiết từ cây mẹ. Thời gian chiết cây phù hợp từ tháng 12 âm lịch để kịp trồng vào mùa xuân. Khi chọn giống, bạn nên chọn cây to từ ngón út trở lên, không sâu bệnh, cành và lá non phát triển đều. Nếu lựa chọn quất mọc từ hạt, bạn cần chọn đơn vị có độ uy tín cao để đảm bảo hạt giống thuần chủng.

Trồng cây con và bón phân cho cây quất

Khi trồng cây quất con, bạn trồng với khoảng cách hàng * hàng là 100*100cm, cây *cây là 100*100cm. Thời gian trồng quất thuận lợi nhất cho sự phát triển là khoảng tháng 2 – 3 dương lịch (cho vụ xuân) hoặc tháng 8 – 9 (khi đã lập thu) ở miền Bắc và Trung. Với các tính miền Nam, bạn có thể trồng và đầu mùa mưa (cuối tháng 4, đầu tháng 5).

Hố trồng cây con sẽ có kích thước rộng 15 – 20cm, sâu từ 20 – 30 cm. Khi đặt cây con xuống, bạn xé rách túi bầu nhưng không được làm vỡ bầu đất. Sau đó bạn lấp đất cho bằng mới mặt đất, cắm cọc chống đổ để giữ thế cho cây. Thông thường, khi trồng xong bạn cần ủ gốc bằng rơm, rạ, cỏ mục để giữ ấm sau đó tưới đẫm nước.

Sau khi trồng cây con được 60 ngày, bạn cần tiến hành bón phân cho quất lần đầu tiên. Giai đoạn này cây bắt đầu ra rễ và cần bổ sung dinh dưỡng cho rễ và lá để tạo tiền đề qua quá trình phát triển sau này.

Lượng bón cho cây là dùng phân NPK Hà Lan 16-16-8 với lượng trung bình là 5 – 10 g/gốc. Những lần bón phân sau cách lần bón trước 30 ngày. Khi bón, bạn nên hòa tan phân vào nước và tưới cách gốc từ 15 – 20 cm. Để mang lại hiệu quả tốt, bạn có thể rạch rãnh vòng quanh tán để đất có thể giữ nước phân. Trong trường hợp lá quất phát triển kém, bạn có thể sử dụng phân bón lá để kích thích lá phát triển.

Tạo thế cho cây quất

Đối với cây quất đặt trên mặt đất, bạn có thể lựa chọn cho cây dáng đứng thẳng tự nhiên, tạo dáng tròn đều, không quá gò ép, thân thẳng. Để duy trì được thế thẳng, bạn nên đóng một cọc xuyên tâm của tán cây. Cọc hỗ trợ quất đứng được vững vàng khi thân và gốc chữa vững chắc, hạn chế tình trạng thân bị uốn cong trong quá trình phát triển.

Bên cạnh những cây quất lớn, nhiều gia đình lựa chọn các cây quất mini trưng bày trên bàn phòng khách. Những cây này được người mua quan tâm nhiều về thế. Thông thường, người mua sẽ thích cây được uốn nắn với thế tự nhiên, mượt mà, không có vết hằn cố định.

Quá trình tạo thế cho cây quất cảnh mini nên được thực hiện từ đầu tháng 12 âm lịch. Bạn sử dụng cây thép nhỏ để níu cành vào vị trí mong muốn. Dùng cưa nhỏ để cắt bỏ cành thừa. Việc cắt bỏ cần thực hiện từ từ, tránh thực hiện 1 lần khiến cây rụng quả và lá đột ngột.

Một số thế quất được ưa chuộng là long phượng vần vũ, cá chép hóa rồng, phượng múa đón xuân, thác đổ về nguồn, thế tam đa, thế ngũ phúc, thế long thăng, thế phu thê… Mỗi thế của cây đều mang những ý nghĩa tốt đẹp về gia đình, công danh, sự nghiệp và được người Việt yêu thích.

Kỹ thuật chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh cho cây quất

Chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh

Sau 9 tháng phát triển, quất tiến vào giai đoạn phát triển ổn định về lá và cành, chuẩn bị cho quá trình ra hoa, kết quả. Lúc này, người trồng cần cung cấp dinh dưỡng để cây phát triển các bộ phận hoa, quả. Bạn cần pha 100g NPK Hà Lan 20-20-15 cho mỗi gốc. Mỗi lần bón sau cách lần bón trước 40 ngày và bón cách gốc 40 – 50cm.

Một số loài côn trùng gây hại khi trồng đến cây quất là:

  • Sâu bướm phượng: loài côn trùng này đẻ trứng lên chồi non, khi sâu nở sẽ ăn khuyết mất lá và búp non.
  • Ngài là loài bướm nhỏ, hoạt động vào ban đêm và chích hút quả khi bước vào giai đoạn chín, làm quả bị thâm, thối và rụng.
  • Rệp muội, rệp vảy ốc sống trên búp non. Hậu quả là làm lá và ngọn bị dị dạng gây mất thẩm mỹ.
  • Sâu vẽ bùa ăn tế bào diệp lục bên dưới lớp biểu bì, tạo nên những vết ngoằn ngoèo trên lá.

Để hạn chế tác hại của sâu bệnh, bạn có thể sử dụng lưới chống côn trùng. Để tránh lưới làm mất thế cây, bạn cần dựng khung cho toàn bộ ruộng chứ không nên phủ từ đỉnh bao phủ toàn bộ tán cây. Bên cạnh đó, bạn có thể sử dụng một số loại thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh.

Xử lý cho quả quất chín vàng đúng dịp tết

Vào khoảng tháng 6, tháng 7, bạn cần kiểm tra tình hình ra hoa, tạo quả để dự đoán thời gian quả chín. Hoa ra đúng thời điểm tháng 8 âm lịch sẽ cho quả đẹp dịp tết. Nếu cây quất phát triển quá mạnh, bạn cần thực hiện đảo quất. Đảo quất là quá trình đào cây, phơi nắng nhẹ khoảng 10 ngày, tỉa bớt tán sau đó trồng lại.

Đối với quất nhỏ hoặc tròng sẵn trong chậu, bạn chỉ cần ngắt lá, giảm tưới nước để kìm hãm độ chín của quả.

Bí quyết giữ cây và quả quất tươi lâu trong dịp tết

Thông thường, cây quất cảnh được trưng bày trong nhà trong khoang 15 – 30 ngày hay thậm chí dài hơn. Dưới đây là một số bí quyết để quất giữ được quả và lá luôn tươi, màu đẹp:

  • Lựa chọn cây quất tươi, khỏe, lá xanh tốt, quả mọng.
  • Trước khi chuyển quất vào chậu, bạn lót 1 lớp than củi dưới đáy chậu, cho đất tơi xốp vào để cung cấp dinh dưỡng cho cây.
  • Bạn hạn chế tưới nước hoặc bón phân quá nhiều cho cây để tránh tình trạng thối rễ.

Nội dung bài viết đã mang đến cho bạn những thông tin hữu ích về quất – một loài thảo dược tốt của Việt Nam cùng kỹ thuật trồng cây quất cảnh ra quả đúng dịp Tết. Hy vọng với những chia sẻ ở trên, bạn có thêm kinh nghiệm để chăm sóc nông trại quất của mình tốt hơn.