Kỹ thuật trồng và chăm sóc củ cải ngựa

Kỹ thuật trồng và chăm sóc củ cải ngựa

Là một giống cây thuộc họ Cải, củ cải ngựa được trồng khá phổ biến để làm gia vị. Không những vậy, loại củ này còn chứa rất nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe, có khả năng chữa trị cũng như phòng một số căn bệnh. Vì vậy, nếu bạn muốn tự mình trồng và chăm sóc củ cải ngựa, hãy tham khảo những kiến thức mà chúng tôi sẽ chia sẻ đến mọi người ngay sau đây.

Điều kiện trồng cây củ cải ngựa phát triển

Ánh sáng

Củ cải ngựa là loài cây ưa ánh sáng và chúng cần có đủ ánh nắng mặt trời để sinh trưởng và phát triển. Vì vậy, thời điểm thích hợp nhất để bắt đầu trồng củ cải ngựa đó là mùa hè.

Tuy nhiên, nếu muốn có cây giống để trồng vào mùa hè, các bạn cần ươm hạt ngay từ khoảng tháng hai hoặc tháng ba.

Đất trồng

Củ cải ngựa không phải là giống cây quá kén đất trồng. Đối với loài cây này, đất trồng chỉ cần đáp ứng được các tiêu chí như: sạch, tơi xốp, thoáng mát, thoát nước tốt, cung cấp đủ chất dinh dưỡng.

Nhiệt độ

Nhiệt độ tối ưu nhất cho sự phát triển của cây củ cải ngựa nằm trong mức từ 7 đến 23 độ C.

Kỹ thuật trồng cây củ cải ngựa

Kỹ thuật trồng cây củ cải ngựa

Chọn giống

Trên thực tế, hạt giống củ cải ngựa có tỷ lệ nảy mầm không quá cao. Thông thường, mỗi 10 hạt giống sẽ có khoảng 2 đến 3 hạt nảy mầm sau khi ươm. Vì thế, khi tìm mua hạt giống củ cải ngựa, mọi người nên lựa chọn những cơ sở lớn, uy tín.

Sau khi có được hạt giống, ta cần ươm hạt. Để tăng tỷ lệ nảy mầm, các bạn hãy ngâm hạt giống với nước ấm 30 độ C trong khoảng 2 đến 4 tiếng đồng hồ. Sau đó, ta sẽ gieo hạt vào trong các cốc ươm chứa đất sạch, tưới nước giữ ẩm và để ở nơi thoáng mát. Tùy theo điều kiện cụ thể, hạt sẽ nảy mầm trong 10- 15 ngày.

Làm đất trồng

Đất trồng cần chọn đất trồng sạch, tránh xa các yếu tố có thể gây ô nhiễm. Loại đất phù hợp nhất là đất pha cát hoặc đất phù sa có nhiều mùn, tơi xốp.

Trước khi trồng khoảng một hoặc hai tuần, chúng ta cần dọn sạch cỏ dại, tàn dư thực vật, cày cuốc kỹ lưỡng và phơi ải. Sau đó, ta sẽ tiến hành lên luống, mỗi luống sẽ có độ rộng khoảng 1- 1,2 m, chiều cao khoảng 25cm. Giữa các luống là rãnh thoát nước rộng từ 30 đến 40cm.

Gieo trồng

Khi hạt giống đã nảy mầm và phát triển thành cây con, ta có thể bắt đầu gieo trồng củ cải ngựa. Trên các luống đất, các bạn hãy trồng mỗi cây con thành một hốc, cách nhau ít nhất 20cm, sau đó vun đất cho đầy gốc cây, phủ mùn giữ ẩm và tưới nước.

Chăm sóc cây củ cải ngựa

Chăm sóc cây củ cải ngựa

Tưới nước

Đầu tiên, nguồn nước sử dụng để tưới cho củ cải ngựa phải là nước sạch, không chứa các kim loại nặng hoặc những yếu tố gây ô nhiễm khác. Bạn có thể sử dụng nước giếng khoan, nước sông, suối… Tuy nhiên, tuyệt đối không được dùng nước thải, nước từ các ao đã tồn ứ lâu.

Bên cạnh đó, mọi người cần đặc biệt chú ý rằng, củ cải ngựa là giống cây ưa ẩm nhưng không thể chịu được ngập úng. Vì thế, mỗi lần tưới, ta chỉ nên tưới ẩm, khoảng hai ngày một lần, không cần tưới ướt đẫm gốc cây.

Bón phân

Bón phân cho cây củ cải ngựa

Trước khi đặt cây ra luống, ta sẽ tiến hành bón lót. Ở giai đoạn này, các bạn nên sử dụng phân bón để cây con có thể dễ dàng hấp thụ chất dinh dưỡng và phát triển nhanh chóng hơn.

Khối lượng phân tiêu chuẩn dùng cho bón lót là 50- 70 kg phân hữu cơ Organic 1 hoặc 3 Con Gà cho 1000m2. Lượng phân này cần chia đều cho các hốc tạo sẵn trên luống trồng. Sau khi trồng, ta sẽ đặt bầu cây lên trên phân hữu cơ và vun gốc.

Bên cạnh đó, bón thúc cho cây củ cải ngựa cần được thực hiện theo 3 lần như sau:

Bón thúc lần 1: Bón thúc lần đầu sẽ tiến hành khi cây con đã có 2 hoặc 3 lá thật. Ở lần bón này, bạn cần sử dụng 20- 30kg phân NPK 20-20-15 chia đều cho diện tích 1000m2 trồng củ cải ngựa.

Bón thúc lần 2: 1 tuần sau khi bón thúc lần 1, chúng ta sẽ chuẩn bị cho lần bón thúc tiếp theo. Ở lần bón thúc này, các bạn hãy tiếp tục sử dụng phân bón NPK 20-20-15 và khối lượng giống như lần trước.

Bón thúc lần 3: Khi phần củ của cây củ cải ngựa phát triển với đường kính khoảng 2cm, chúng ta sẽ bón thúc lần thứ 3 và cũng là lần cuối cùng trước khi thu hoạch. Lần này, để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây phát triển mạnh phần củ, bạn hãy dùng phân NPK 17-7-17, khối lượng 20-30kg cho 1000m2 trồng.

Bên cạnh đó, mọi người cũng cần chú ý rằng, không nên bón thúc lần thứ 3 quá muộn. Lần bón thúc cuối cùng cần cách thời gian thu hoạch tối thiểu 20 ngày.

Làm cỏ

Muốn cây củ cải ngựa sinh trưởng tốt, cho củ lớn, ta cần làm cỏ trên đồng ruộng thường xuyên. Cỏ dại phát triển quá nhiều sẽ cạnh tranh không gian, chất dinh dưỡng của đất với cây trồng. Bên cạnh đó, cỏ dại cũng là nơi thường có sâu bệnh, từ đó lan sang cây củ cải ngựa. Vì vậy, mọi người nên chú ý làm cỏ thường xuyên, khoảng 1 lần mỗi tuần.

Phòng trừ sâu bệnh

Sâu tơ: Sâu tơ do các loại bướm hoạt động về đêm đẻ trứng lên lá, thường là ở mặt dưới. Khi nở ra, sâu con sẽ ăn lá để sống, tạo thành những vết nhỏ, dài trên lá củ cải ngựa. Cách tốt nhất để phòng trừ loại sâu này đó là phun mưa vào khoảng chiều tối, đây là lúc chúng đẻ trứng. Ngoài ra, bạn cũng có thể nuôi các loài thiên địch của sâu tơ, chẳng hạn như nhện, ong ký sinh Dc…

Bọ nhảy: Bọ nhảy trưởng thành ăn lá cây củ cải ngựa, chúng còn đẻ trứng vào đất, sâu con nở ra sẽ ăn ngay củ cải, khiến phần củ bị thui chột, vỏ sần sùi. Tuy vậy, hiện nay vẫn chưa có phương pháp hoặc loại thuốc đặc trị nào dành cho loại sâu hại này.

Rệp: Rệp là loại sâu hại chuyên hút nhựa cây, làm cho lá bị héo, mất sức sống. Không những vậy, rệp còn là trung gian truyền bệnh cho cây củ. Khi thời tiết khô, nóng, chúng sẽ phát triển cực kỳ nhanh chóng. Vì thế, biện pháp phòng trừ hiệu quả nhất đối với rệp đó là thường xuyên tưới nước giữ ẩm, đặc biệt là khi thời tiết khô nóng. Ngoài ra, bạn cũng có thể phun một số loại thuốc đặc trị.

Qua đây, có lẽ mọi người đều thấy rằng, kỹ thuật trồng và chăm sóc củ cải ngựa không hề khó khăn. Hy vọng bằng những kiến thức mà chúng ta vừa tìm hiểu ở nội dung trên, các bạn có thể áp dụng đúng kỹ thuật trồng, chăm sóc và đặc biệt là thu hoạch được những củ cải ngựa chất lượng tốt nhất.