Đậu rồng hay còn được gọi với cái tên đậu khế là một loại cây trồng có thể được dùng để chế biến nhiều món ăn ngon, giá trị dinh dưỡng cao. Đặc biệt, đậu rồng cũng là loài thực vật khá trồng và cho năng suất rất tốt nếu mọi người áp dụng các đúng kỹ thuật trồng, chăm sóc sau đây.
Một số đặc tính của cây đậu rồng
Cũng như việc trồng trọt nhiều loại cây khác, để trồng đậu rồng hiệu quả, điều quan trọng nhất mà ta cần làm đó là nắm rõ những thông tin, đặc tính của loại cây này.
Trước hết, đậu rồng là một giống cây nằm trong họ đậu. Là thực vật có nguồn gốc tại các khu vực như châu Phi, New Guinea và Ấn Độ, đậu rồng đã được trồng phổ biến ở nhiều nơi khác, điển hình là khu vực Đông Nam Á.
Đậu rồng là loài cây thân thảo, có khả năng leo, khi trưởng thành, độ dài trung bình của đậu rồng khoảng 2 đến 3 mét, trong điều kiện thuận lợi có thể đạt 4 đến 5 mét. Nhờ có phần củ to nằm dưới đất, đậu rồng có thể sống và phát triển trong nhiều năm. Khi được trồng ở những nơi có khí hậu phù hợp và được chăm sóc đúng kỹ thuật, đậu rồng sẽ cho quả quanh năm.
Phần củ của cây đậu rồng cũng chính là rễ của chúng. Đây là bộ phận tích lũy chất dinh dưỡng của cây và cũng là bộ phận mà ta có thể thu hoạch để sử dụng sau khoảng thời gian trồng và chăm sóc từ 120 đến 240 ngày. Khi thu hoạch, kích thước tiêu chuẩn của củ đậu rồng đạt chiều dài 10- 12cm và đường kính 2- 4 cm.
Hình thức thụ phấn chính ở câu đậu rồng là thụ phấn chéo, chiếm hơn 70 phần trăm. Vì vậy, mọi người nên trồng đậu rồng với số lượng lớn để giúp việc thụ phấn đạt kết quả tốt nhất.
Thời vụ trồng đậu rồng phù hợp
Như đã nói, đậu rồng có nguồn gốc từ châu Phi, Ấn Độ… Vì thế, chúng rất thích hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới tại nước ta. Tất nhiên, nếu muốn trồng đậu rộng đạt năng suất tốt nhất, mọi người nên căn thời điểm trồng đúng thời vụ.
Ở phía nam, thời điểm canh tác tốt nhất vào khoảng tháng 2. Tại phía bắc, thời vụ trồng đậu rồng muộn hơn một chút, rơi vào tầm tháng 7, tháng 8. Thông thường, sau khi trồng đậu rồng khoảng 3 tháng, chúng ta có thể bắt đầu thu hoạch.
Kỹ thuật trồng đậu rồng
Làm đất
Đất trồng là một trong những yếu tố ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển và năng suất của cây đậu rồng. Loại đất phù hợp nhất cho giống cây này là đất phù sa, có độ chua nhẹ, độ PH nằm trong khoảng 4,3 đến 7,5.
Đặc biệt, rễ của cây đậu rồng chủ yếu phát triển khá nông. Vì thế, đất trồng đậu rồng cần có độ tơi xốp cao, có khả năng thoát nước tốt và nhiều mùn trên bề mặt.
Trước khi trồng, ta sẽ dọn sạch các loại cỏ dại, sau đó tiến hành cày bừa thật kỹ, tạo độ tơi xốp cho đất. Tiếp theo, ta sẽ tiến hành đánh luống trồng đậu rồng. Các luống cách nhau khoảng nửa mét, mỗi luống rộng 1 mét và chiều cao khoảng 20cm.
Ngâm, ủ hạt giống
Đậu rồng là loài cây trồng chủ yếu bằng hạt giống. Trước hết, mọi người cần mua hạt giống tại các cơ sở uy tín, chất lượng cao. Để tăng tỷ lệ nảy mầm, chúng ta sẽ ngâm hạt giống đậu rồng với nước ấm có nhiệt độ khoảng 30, 40 độ C trong khoảng thời gian từ 1 đến 2 tiếng.
Sau đó, các bạn hãy vớt hạt ra và ủ trong khăn ẩm hoặc cát ẩm cho đến khi hạt nảy mầm. Khi đó, ta có thể mang hạt đi gieo trồng.
Gieo hạt
Qua thời gian ủ khoảng nửa ngày, hạt giống đậu rồng sẽ nứt nanh, nảy mầm và ta sẽ tiến hành gieo hạt trên các luống đất trồng đã chuẩn bị trước đó.
Cách trồng đậu rồng hiệu quả nhất đó là gieo hạt theo các hốc trên luống, hai hốc liền nhau sẽ có khoảng cách 30cm. Với mỗi hốc như vậy, ta sẽ đặt vào đó 2 hoặc 3 hạt giống, lấp một lớp đất dày khoảng 1cm, tưới thêm chút nước và phủ rơm rạ lên trên để giữ ẩm cho cây phát triển.
Sau thời gian 10 ngày kể từ khi gieo hạt, lúc này cây đậu rồng con đã phát triển và đạt chiều cao xấp xỉ 10cm. Khi đó, mọi người hãy loại bỏ những cây con kém phát triển, còi cọc, chỉ giữ lại mỗi hốc một cây.
Chăm sóc đậu rồng đúng cách đạt năng suất cao
Tưới nước
Cũng giống như tất cả các giống cây trồng khác, tưới nước là một phần không thể thiếu khi chăm sóc đậu rồng đạt năng suất cao. Mọi người cần lưu ý rằng, tùy theo từng giai đoạn phát triển, cây đậu rồng sẽ có nhu cầu về nước khác nhau. Do đó, ta cần căn cứ vào tình trạng của cây để tưới lượng nước phù hợp.
Ở thời điểm ban đầu, cây đậu rồng con có nhu cầu tưới nước không nhiều. Tuy nhiên, do trồng trên luống cao nên các bạn cần chăm tưới nước để đảm bảo độ ẩm phù hợp. Thông thường, ta sẽ tưới hai lần vào buổi sáng sớm và chiều mát. Mỗi lần tưới lượng nước nhỏ, vừa đủ để giữ ẩm, không nên tưới nhiều gây ngập úng.
Khi đậu rồng đã phát triển và bắt đầu leo, ra hoa và quả, mọi người cần dựng giàn cho cây leo. Nếu không có giàn leo và thường xuyên bị tưới nước trực tiếp vào phần hoa và quả, đậu rồng sẽ nhanh chóng bị chột quả, cho năng suất rất kém.
Vào giai đoạn cây phát triển hoa, quả, nhu cầu về nước sẽ lớn hơn khá nhiều. Khi đó, mọi người nên chủ động tưới nước thường xuyên hơn. Tuy nhiên, các bạn cần đặc biệt chú ý không được tưới nước trực tiếp vào phần bên trên có hoa, quả. Thay vào đó, hãy tưới nước trực tiếp vào phần rễ cây.
Bón phân cho cây đậu rồng
Để cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho đậu rồng phát triển và cho năng suất tốt, chúng ta cần bón phân cho cây đủ lượng và đúng thời điểm phù hợp.
Trước khi gieo hạt đậu giống, ta cần bón lót trước để cây phát triển thuận lợi nhất. Ở giai đoạn đầu phát triển, loại phân bón lót phù hợp nhất sẽ là phân hữu cơ Organic Gold. Trên mỗi diện tích trồng 1000 m2, lượng phân bón hữu cơ cần sử dụng là 1- 3kg.
Ngoài ra, sau khi gieo hạt và trong giai đoạn cây phát triển, cho trái, ta sẽ cần bón thúc 3 lần.
- Lần 1: Khi cây phát triển lá thứ 2 và lá thứ 3, tan sẽ tiến hành bón thúc lần đầu tiên. ở thời điểm này, mọi người nên dùng phân bón NPK 20-20-15 với lượng 0,5- 1kg trên 1000 m2 trồng. Phân bón có thể hòa vào nước, tưới cách gốc khoảng 5cm.
- Lần 2: Khi cây phát triển lá thứ 3, lá thứ 4. Lúc này, chúng ta sẽ bón phân NPK 20-20-15, liều lượng 0,5- 1kg trên 1000 m2 trồng. Ngoài bón phân, đây cũng là thời điểm ta cần vun thêm đất cho cây và dựa giàn leo.
- Lần 3: Lần bón tiếp theo là lúc cây đã leo giàn được khoảng 15 ngày. Ở thời điểm này, mọi người cần chuẩn bị khoảng 0,5- 1kg phân bón NPK 17-7-17 cho 1000 m2 trồng.
- Việc bón phân đầy đủ, đúng lượng sẽ giúp cây đậu rồng phát triển rất nhanh và đặc biệt là cho năng suất cao.
Các bạn có thể thấy, các kỹ thuật trồng và chăm sóc đậu rồng khá là đơn giản. Đây là giống cây có sức phát triển rất tốt. Chúc các bạn thành công và thu được năng suất cao nhất với mô hình trồng, chăm sóc đậu rồng đúng cách mà chúng ta đã cùng tìm hiểu qua nội dung trên.