Kỹ thuật trồng và chăm sóc rau bồ ngót

Kỹ thuật trồng và chăm sóc rau bồ ngót

Rau bồ ngót hay rau ngót luôn là loại rau xanh xuất hiện rất thường xuyên trên mâm cơm của mọi gia đình. Dù là giống cây khá dễ trồng nhưng nếu không áp dụng đúng kỹ thuật, sẽ rất khó để chúng ta thu được năng suất cao. Vì vậy, ngay sau đây, chúng tôi sẽ chia sẻ đến các bạn những kỹ thuật trồng và chăm sóc rau bồ ngót hiệu quả, chi tiết nhất.

Công dụng của rau bồ ngót

Rau bồ ngót được đánh giá là một loại thực phẩm lành tính, phù hợp với tất cả mọi người. Đặc biệt, các món ăn từ rau bồ ngót luôn có giá trị dinh dưỡng rất cao, bao gồm những dưỡng chất chính đó là: Vitamin A, vitamin C, glucid, canxi, sắt, kali, natri, mangan, kẽm, protein…

Nếu được sử dụng đúng cách, rau bồ ngót có thể mang lại những công dụng vô cùng hữu ích như:

  • Giải độc rượu
  • Giảm chứng đau nhức xương khớp
  • Chữa bệnh tưa lưỡi ở trẻ nhỏ
  • Tốt cho phụ nữ sau sinh, đặc biệt là những người bị sót nhau thai
  • Chữa bệnh nám da hiệu quả
  • Thanh nhiệt, giải độc cho cơ thể.

Thời vụ trồng rau ngót thích hợp

Thời vụ trồng

Trên thực tế, bồ ngót là loại rau có thể được trồng và thu hoạch quanh năm. Tuy nhiên, thời điểm tốt nhất để mọi người bắt đầu gieo trồng rau bồ ngót đó là mùa xuân từ tháng 2 đến tháng 4 hoặc mùa thu từ tháng 8 đến tháng 10.

Vào những thời điểm này, thời tiết thường mát mẻ, có mưa nhiều, cực kỳ thích hợp cho cây bồ ngót phát triển.

Hướng dẫn kỹ thuật trồng rau bồ ngót hiệu quả

Hướng dẫn kỹ thuật trồng rau bồ ngót hiệu quả

Chọn đất trồng rau ngót phù hợp

Về cơ bản, bồ ngót là giống cây có khả năng thích nghi với mọi loại đất trồng. Thế nhưng, để đảm bảo năng suất canh tác tốt nhất, bà con nên trồng rau bồ ngót bằng những loại đất thịt giàu dinh dưỡng, nhiều mùn, có khả năng giữ ẩm, khả năng thoát nước tốt và độ tơi xốp cao.

Trước khi trồng rau bồ ngót, mọi người nên làm đất thật kỹ bằng cách loại bỏ cỏ dại, tàn dư thực vật, cày bừa, phơi ải. Ngoài ra, để đảm bảo không xảy ra tình trạng ngập úng, chúng ta nên làm luống trồng rau. Chiều cao của mỗi luống thấp nhất là 20cm, rộng 1m, giữa các luống là phần rãnh rộng 0,3m. Với kích thước như vậy, ta có thể trồng 2 hàng bồ ngót trên một luống, 2 cây liên tiếp được trồng cách nhau khoảng 30cm.

Chuẩn bị cây giống

Hiện nay, bồ ngót được nhân giống theo 2 phương pháp chính đó là: nhân giống từ hạt và nhân giống bằng cách giâm cành. Tuy nhiên, hạt giống rau bồ ngót có tỷ lệ nảy mầm không quá cao, hơn thế nữa, nếu gieo trồng bằng hạt, thời gian thu hoạch sẽ rất lâu. Vì thế, giâm cành thường là phương pháp được ưu tiên nhiều hơn.

Trước tiên, cành được lựa chọn làm giống cần đáp ứng được một số tiêu chí sau: cành bánh tẻ độ dài tối thiểu 20cm, khỏe mạnh, phát triển tốt, không có dấu hiệu của sâu bệnh.

Để giâm cành cho rau bồ ngót, các bạn có thể dùng cát ẩm hoặc đất mùn, vùi khoảng 2 phần 3 thân cành ở góc nghiêng 45 độ, lấp kín. Sau đó, chúng ta cần thường xuyên tưới nước giữ ẩm. Ngoài ra, mọi người cũng có thể tưới thêm một số loại thuốc kích rễ để cành giống mau ra rễ và phát triển nhanh hơn.

Trồng bồ ngót với mật độ phù hợp

Khi đã giâm cành giống thành công, chúng ta sẽ bắt tay vào quá trình trồng rau bồ ngót. Trên thực tế, đây là công việc khá đơn giản. Điều quan trọng nhất cần lưu ý đó là lựa chọn mật độ, khoảng cách trồng thích hợp.

Như đã nói ở trên, độ rộng của luống khoảng 1m và khoảng cách giữa các hàng là 0,5m, trên mỗi luống, ta có thể trồng được 2 hàng. Mỗi hom, có từ 2-3 cành giống và các hom trên cùng một hàng có khoảng cách ít nhất là 30cm.

Với mật độ như vậy, ta có thể trồng được khoảng 10 vạn hom trên diện tích 1ha.

Cách chăm sóc rau bồ ngót

Cách chăm sóc rau bồ ngót

Tưới đủ nước

Trong quá trình trồng và chăm sóc rau bồ ngót, mọi người cần chú ý tới nước đủ, đúng thời điểm thích hợp. Đặc biệt, để đảm bảo rau sạch, mọi người chỉ nên sử dụng những nguồn nước sạch để tưới cây, tránh các nguồn nước có nguy cơ ô nhiễm cao, nhất là nước thải sinh hoạt.

Cách tốt nhất để chủ động nguồn nước tới cho diện tích canh tác rau bồ ngót lớn đó là đào giếng khoan. Mỗi ngày, ta sẽ tưới cây 2 lần vào buổi sáng sớm và chiều tối. Mỗi lần chỉ nên tưới đủ nước, giữ ẩm cho gốc cây, không nên tưới ngập úng.

Cách bón phân cho rau bồ ngót

Là một loại rau ăn lá, bồ ngót sẽ cần được cung cấp một khối lượng chất dinh dưỡng rất lớn. Vì vậy, phân bón sẽ là một yếu tố rất quan trọng mà mọi người cần đặc biệt chú ý. Muốn rau bồ ngót phát triển tốt, cho thu hoạch lâu dài, chúng ta cần sử dụng loại phân bón NPK phù hợp, bón đúng thời điểm và khối lượng.

Bón lót

Loại phân tốt nhất để bón lót cho rau bồ ngót đó là phân hữu cơ 3 Con Gà hoặc phân hữu cơ Organic 1. Ngoài ra, chúng ta cũng cần tính toán khối lượng phân bón phù hợp, trung bình, mỗi diện tích trồng 1000 mét vuông, rau bồ ngót sẽ cần từ 50-70 kg.

Nếu được bón lót bằng phân hữu cơ với khối lượng thích hợp, rễ cây có thể hấp dụ chất dinh dưỡng hiệu quả hơn, giúp cây con phát triển nhanh, thuận lợi hơn ở giai đoạn đầu.

Bón thúc

Bón thúc

Trong giai đoạn rau bồ ngót đang phát triển nhanh, để bổ sung thêm các loại chất dinh dưỡng cần thiết, chúng ta sẽ tiến hành bón thúc. Thông thường, việc bón thúc cho bồ ngót sẽ được thực hiện chia thành 2 lần.

Khi bón thúc cho rau bồ ngót, chúng ta sẽ sử dụng từ 20-30 kg phân bón NPK Hà Lan 20-20-15 cho một lần bón, phân bố đều trên diện tích 1000 mét vuông. Trong đó, bón thúc lần 1 sẽ nằm trong khoảng 20- 25 ngày đầu tiên và lần thứ 2 sẽ rơi vào thời điểm 20- 25 ngày sau đó, tính từ khi bón thúc lần thứ nhất.

Thu hoạch ra bồ ngót

Nếu áp dụng đúng kỹ thuật trồng và chăm sóc, rau bồ ngót có thể cho thu hoạch chỉ sau 2 tháng và mỗi 20 ngày kế tiếp. Khi thu hoạch rau bồ ngót, mọi người có thể cắt các nhánh cây hoặc chỉ lấy mỗi phần lá. Ngoài ra, là một loại rau thân gỗ, bồ ngót có tuổi thọ khá cao, khoảng 4 hoặc 5 năm và chúng ta có thể liên tục thu hoạch trong thời gian đó nếu chăm bón đúng cách.

Rau ngót hay rau bồ ngót là thực phẩm rất tốt cho sức khỏe, đặc biệt là trẻ nhỏ và phụ nữ sau sinh. Vì thế, sẽ thật tuyệt vời nếu như chúng ta có thể tự trồng rau ngót và nấu những món ăn ngon, bổ dưỡng cho gia đình. Tất nhiên, nếu bạn chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc trồng trọt, hãy tham khảo nội dung mà chúng tôi đã chia sẻ trên đây để hiểu rõ hơn về kỹ thuật trồng và chăm sóc rau bồ ngót.