Sầu riêng rụng trái non là vấn nạn mà rất nhiều vườn sầu gặp phải trong quá trình chăm sóc. Quá trình cây rụng trái bất thường gây ra nhiều thiệt hại lớn về kinh tế cho bà con nông dân. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến sầu riêng rụng trái non? Làm thế nào để khắc phục triệt để hiện tượng này? Những chia sẻ từ Công ty Phân bón Hà Lan qua bài viết dưới đây sẽ giúp bà con giải quyết một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.
Nguyên nhân sầu riêng rụng trái non
Rụng trái non cây sầu riêng có rất nhiều yếu tố tác động, phổ biến là những nguyên nhân sau:
Do sinh lý
Một nguyên nhân phổ biến và được xem là bình thường là khi đậu trái, sầu riêng sẽ có đợt rụng trái non do sinh lý. Khi cây sầu riêng không thể nuôi cùng lúc toàn bộ trái thì chúng sẽ rụng bớt để tập trung vào việc nuôi dưỡng một số lượng nhất định. Lúc này, cây sẽ tiết ra các chất điều hòa sinh trưởng, hình thành tầng rời ở phía cuống trái và trái sẽ tự rụng xuống. Có 2 đợt rụng trái khi còn nhỏ vừa xổ nhị từ 1 – 3 tuần và khi trải ở tuần 6 – 7 ở thời điểm bắt đầu tạo cơm.
Do dinh dưỡng thiếu cân đối
Khi cây hình thành và phát triển hoa, nếu không được bón phân đúng cách để cung cấp đủ dưỡng chất cho cây (thiếu vi lượng Boron) dẫn đến sức sống của hạt phấn yếu, tỷ lệ đậu quả cũng thấp. Lúc này ở cuống hoa và cuống trái hình thành tầng rời nên trái non dễ rụng. Ngoài ra, việc bón phân thừa đạm cũng làm cho cây tập trung ra đọt mà không nuôi trái, khiến trái non bị rụng.
Do sâu bệnh hại
Trên cây sầu riêng thường xuất hiện các loại bệnh như nấm hồng, thán thư, sâu đục quả, rệp sáp, rầy nhện,…Những loại sâu bệnh này tấn công vào cây dẫn đến cũng làm rụng trái non.
Do sốc nước, sốc nhiệt
Một số vườn sầu riêng gặp phải mưa trái mùa, việc dính mưa đột ngột làm giảm bớt lượng bông, dẫn đến trái non rụng hàng loạt. Ngoài ra, ở thời điểm nắng nóng liên tục xảy ra, xen vào đó là một vài trận mưa trái mùa, sự chênh lệch nhiệt độ quá nhiều giữa ngày đêm cũng là nguyên nhân làm rụng bông và trái non.
Cách khắc phục sầu riêng rụng trái non
Để hạn chế thiệt hại vườn do trái non rụng quá nhiều có rất nhiều cách. Bà con nên áp dụng những cách khắc phục sầu riêng rụng trái non dưới đây để cho kết quả tốt nhất:
Ngưng tưới nước
Hiện tượng sầu riêng rụng trái non có thể là do tưới nước quá nhiều, cây thừa nước khiến cho trái bị rụng với số lượng lớn. Ở giai đoạn này bà con nên ngưng tưới nước lại để ngăn chặn hiện tượng rụng hoa, rụng trái. Vào mùa mưa bà con cần phải làm bồn thoát nước để tránh làm cây úng nước gây ra rụng quả.
Tỉa bớt trái sầu riêng non không đạt
Như đã đề cập ở trên, khi cây ra quá nhiều trái mà không thể nuôi cùng lúc toàn bộ trái thì chúng sẽ rụng bớt. Vì thế bà con hãy tỉa bớt quả để đảm bảo rằng những quả còn lại có chất lượng tốt hơn, cây cũng đỡ phải phân chia chất dinh dưỡng. Thời điểm tỉa quả chia làm 3 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Khi quả sầu ra khoảng được 3 – 4 tuần khi hoa nở, nên tỉa những quả cuống nhỏ mọc chen chúc nhau trong chùm quả. Loại bỏ những quả méo, bị sâu bệnh, chỉ nên để từ 6 – 8 quả /chùm là được.
- Giai đoạn 2: Khi quả được 8 tuần sau khi hoa nở. Nên tỉa bớt các quả bị cong vẹo, bị dị dạng, chỉ nên để lại khoảng 3 – 4 quả/ chùm.
- Giai đoạn 3: Khi quả được 10 tuần sau khi hoa nở. Nên tỉa những trái có hình dạng xấu xí, không đặc trưng của giống để tạo thuận lợi cho cơm phát triển, tăng kích thước và hình dáng trái, nên để 2 – 3 quả/ chùm là được.
Bón phân cân đối giúp hạn chế tình trạng sầu riêng rụng trái non
Giai đoạn cây nuôi trái thì việc cung cấp chất dinh dưỡng cho cây là vô cùng quan trọng. Cây thiếu dinh dưỡng không những làm rụng trái non mà còn không thể phát triển trái với kích thước và trọng lượng như mong muốn. Bà con cần bón kết hợp phân bón hữu cơ với phân NPK ở từng giai đoạn khác nhau để giúp cây hấp thu tốt nhất, ngăn ngừa sầu riêng rụng trái non.
Bón phun phân qua lá để dưỡng quả
Từ khi nuôi hoa đến khi cây đậu quả khoảng 60 ngày tuổi thì nên phun phân định kỳ khoảng từ 7 – 15 ngày/ lần. Sử dụng phân bón lá NPK 20-20-20+TE để giúp cho cây có chất dinh dưỡng để nuôi quả. Để hạn chế đọt non tránh tình trạng cạnh tranh dinh dưỡng giữa quả và lá thì nên phun MKP với hàm lượng 10g/ lít nước, hoặc phun KNO3 với lượng từ 200 – 300g/ bình 16 lít, phun định kỳ 3 ngày/ lần. Bên cạnh đó cũng cần phối hợp với thuốc đặc trị để hạn chế bệnh thối trái và xì mủ thân.
Giai đoạn bón phân nuôi quả
Giai đoạn này nên bón phân NPK với 3 giai đoạn cơ bản:
- Giai đoạn 1: Khi quả đã được 60 ngày tuổi, lúc quả sầu to bằng quả trứng gà. Bón phân NPK 15-15-15+TE. Lượng phân bón bón khoảng 0,5kg/ cây/ lần/ 2 lần, thời điểm bón cách nhau khoảng từ 10 – 15 ngày. Lần 1 nên bón phân NPK với lượng từ 200 – 300g/ cây/ lần, bón rắc quanh tán cây. Nếu bà con thấy vườn không đủ ẩm thì phải tưới nước vào để cho phân tan. Sau thời gian khoảng từ 10 – 15 ngày thì nên bón tiếp lần 2 lượng phân còn lại.
- Giai đoạn 2: Khi cây sầu đậu trái được từ 80 – 85 ngày thì nên bón loại phân bón NPK 12-12-17+TE, hoặc NPK 12-7-17+TE. Bón với lượng phân bón khoảng 0,15-0,25kg/ cây/ lần, sau đó bón lần tiếp cách từ 10 – 15 ngày.
- Giai đoạn 3: Nên bón loại phân kali trắng chia 2 lần bón. Bón khi quả được khoảng từ 100 – 105 ngày, lượng bón tùy vào lượng quả trên cây từ 0,3kg/ cây và khi bón lần 1 được khoảng 7 ngày, lượng bón từ 0,3 – 0,5kg/ cây.
Với giống sầu riêng Ri6 có thời gian thu hoạch sớm hơn loại sầu Monthong từ 15 – 20 ngày nên khi bón phân NPK cho sầu Ri6 ở giai đoạn nuôi trái cần sớm hơn khoảng 10 – 15 ngày.
Cách phòng ngừa hiện tượng sầu rụng trái non
Để phòng ngừa hiện tượng sầu riêng rụng trái non, bà con cũng căn cứ vào từng giai đoạn cụ thể sau:
Giai đoạn từ khi xả nhụy đến khi trái bằng quả trứng ngỗng tuy không nên ngắt tưới nước hoàn toàn nhưng tưới nhẹ cho cây để duy trì độ ẩm. Không nên tưới cho cây ướt đẫm dễ gây rụng trái. Sử dụng loại phân bón NPK tinh khiết có hàm lượng kali cao để trái lớn nhanh, vượt qua thời kỳ trái non. Nếu thấy cây có hiện tượng ra đọt, bà con nên kết hợp phun xen kẽ MKP để chặn đọt.
Giai đoạn trái lớn hơn hoặc bằng bát (tô) thì bà con tiến hành tưới nước bình thường. Sử dụng loại phân bón có hàm lượng kali cao kết hợp với canxi nitrat. Bón rải gốc để cung cấp hàm lượng đạm và canxi để giúp trái lớn nhanh hơn, vừa chống sượng hiệu quả. Bà con lưu ý nên sử dụng các loại phân bón NPK chất lượng để cây đạt được năng suất và cho chất lượng quả tốt nhất.
Trên đây là chia sẻ về hiện tượng rụng trái non cây sầu riêng: Nguyên nhân và cách khắc phục để giúp bà con có thêm kiến thức trong quá trình chăm sóc, bón phân cho cây hợp lý, ngăn chặn hiện tượng rụng trái và tăng năng suất, chất lượng cho mùa thu hoạch sắp tới. Chúc bà con sở hữu một mùa vụ bội thu!