Muốn cây trồng phát triển tươi tốt va đem lại năng suất hiệu quả trước tiên chúng ta cần phải có đủ kiến thức về việc chăm sóc cây trồng. Một trong những kiến thức cần biết và nắm vững đó là việc sử dụng phân bón hợp lý cho cây trồng. Hiện tại trên thị trường có rất nhiều loại phân được dùng cho cây trồng, trong đó phân chuồng là nhóm phân bón được sử dụng rộng rãi nhất. Vậy phân chuồng là gì? những loại phân chuồng nào tốt nhất ?
I. Phân chuồng là phân gì?
Phân chuồng là loại phân bón hữu cơ được hình thành từ chất thải động vật: nước tiểu, phân gia súc, gia cầm,… và các loại phế phụ phẩm nông nghiệp (rơm, rạ, cỏ, rau), rác thải hữu cơ và phân xanh. Phân chuồng khá quen thuộc với người canh tác và được sử dụng rộng rãi vì có thể tự sản xuất tại nhà bằng phương pháp ủ truyền thống hoặc ủ bằng chế phẩm sinh học. Phân chuồng mang lại nhiều lợi ích đáng kể và ít gây hại đến môi trường, chúng cung cấp các chất dinh dưỡng có giá trị như N (Nitơ), P (Photpho), S (Lưu Huỳnh), K (Kali), các chất dinh dưỡng này đến từ thức ăn của động vật.
Cần kết hợp giữa phân chuồng và npk để đảm bảo năng suất cây trồng và canh tác bền vững cho đất cùng với cây trồng.
II. Các loại phân chuồng phổ biến
1. Phân bò
Phân bò là chất thải của bò, được đánh giá là mang lại nhiều lợi ích và có giá trị kinh tế cao đặc biệt là cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho đất và cây trồng. Phân bò vô cùng thân thiện với môi trường được nhiều người sử dụng để cải tạo đất. Phân bò khô giúp giữ độ ẩm cho cây, tăng độ mùn, giúp đất tơi xốp hơn, không bị rời rạc hoặc kết quá chặt, hạn chế việc thối rễ cây, giúp cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên bạn cần lưu ý vì phân bò được hình thành từ nguồn thức ăn của bò thải ra nên sẽ có nguồn gốc từ cỏ dại cho nên trong phân bò sẽ chứa các hạt cỏ nếu không xử lý kỹ sẽ vô tình tạo cơ hội cho cỏ dại sinh trưởng.
Cách sử dụng phân bò hợp lý: Dùng phân bò khô để bón lót trước khi trồng. Không nên rải phân bò xay trên mặt đất gần cây rau vì điều này sẽ khiến rau trồng bị nhiễm một số vi sinh vật gây hại cho sức khỏe. Không nên bón nhiều phân bò cho cây con vì có thể khiến cây bị suy dinh dưỡng từ bé. Không lạm dụng và bón quá nhiều chỉ nên bón vừa đủ quanh gốc cây. Phân bò thích hợp cho các loại cây cảnh, cà phê, thanh long,…
2. Phân gà
- Phân gà có khả năng cải tạo đất, giảm độ mặn, độ chua và giúp giữ ẩm tốt.
- Cung cấp hàm lượng lớn hữu cơ, bổ sung các loại vi sinh vật có lợi cho đất giúp làm tăng độ phì nhiêu.
- Dinh dưỡng trong phân gà có thể tăng sức đề kháng cho cây, giảm bệnh gây hại cho cây và rễ cây.
- Tăng tỉ lệ thụ phấn, đậu trái thành công và tăng hương vị cho nông sản.
Đặc biệt phân gà có chứa hàm lượng cao Kali và khoáng chất nên rất tốt khi dùng cho các loại cây ăn trái. Phân gà phù hợp với một số loại cây như : ớt (hạn chế sâu bệnh, cho nhiều trái), cây ăn trái (bón trong thời kỳ dưỡng trái)… Không phù hợp với một số loại cây như: cây rau, cây lấy ngọn (bí, bầu).
Cách sử dụng phân gà hợp lý: Dùng phân gà bón cho cây trồng vào thời kỳ phát triển sẽ đem lại hiệu quả tốt nhất. Dùng phân gà bón lót trước khi gieo hoặc trồng và nên rải đều theo luống rãnh sau đó cào đều trên bề mặt đất để thấm vào đất nhanh hơn và giúp cây hấp thụ nhanh. Khi bón thúc nên kết hợp với các loại phân vô cơ khác và cần phải xới đất kỹ, rải phân đều rồi trộn với đất. Để kích thích lá phát triển, chúng ta có thể kết hợp cùng phân khô – N (Nitơ).
3. Phân dê
Phân dê là chất thải của dê, thuộc loại phân hữu cơ tự nhiên, được đánh giá là loại phân chứa hàm lượng dinh dưỡng cao và cân đối. Theo số liệu cho biết trung bình 1 tấn phân dê chứa đến 22kg nitơ và chứa nhiều chất dinh dưỡng khác cho cây trồng phát triển như: NPK, hệ vi sinh vật có lợi, khoáng trung và vi lượng.
Phân dê giúp tăng thêm độ màu mỡ cho đất đai, tạo môi trường sống tốt để các loài vi sinh vật có lợi phát triển, giúp nâng cao năng suất cây trồng và giảm đi dư lượng chất hóa học trong cây trồng và đất. Phân dê phù hợp với một số loại cây như hoa hồng (giúp cây bụ bẫm hơn), hoa lan, rau màu.
Cách sử dụng phân dê hợp lý: Có thể bón trực tiếp lên cây trồng, tuy nhiên bạn có thể trộn phân dê hoai mục với đất trước khi gieo trồng sẽ giúp cho đất tơi xốp hơn, cung cấp nhiều chất dinh dưỡng cho cây và giúp rễ hấp thụ dễ dàng hơn. Nên bón phân vào mùa Thu vì các chất dinh dưỡng sẽ ngấm dần vào đất trong mùa Đông và phát huy tác dụng vào mùa Xuân.
III. Những lợi ích khi sử dụng phân chuồng
- Giúp cây trồng phát triển khỏe mạnh, đặc biệt cung cấp chất dinh dưỡng để cây nuôi lá và tránh tình trạng lá rụng
- Cung cấp các chất dinh dưỡng cho cây trồng như: chất dinh dưỡng đa lượng (phân lân, đạm,kali), trung (canxi, mg, na) và vi lượng (kẽm, đồng…).
- Bổ sung chất hữu cơ, giúp tăng chất mùn để làm tăng độ phì nhiêu của đất, giúp đất giữ ẩm và tăng khả năng giữ lại chất dinh dưỡng.
- Kích thích bộ rễ phát triển,giúp tăng khả năng chống chịu cho cây trước thời tiết khắc nghiệt như nắng hạn hán, xói mòn và tăng khả năng chống chịu sâu bệnh.
- Tạo nên môi trường sống tốt để các loài vi sinh vật có lợi phát triển như giun đất, vi sinh vật hữu ích,…
IV. Những mặt hạn chế khi sử dụng phân chuồng
- Không thể sử dụng được ngay mà phải trải qua quá trình phân giải của vi sinh vật dẫn đến hàm lượng chất dinh dưỡng sẽ thấp hơn so với các loại phân bón khác.
- Phải sử dụng khối lượng phân bón lớn, cần nhân công nhiều trong quá trình bón phân và ủ phân, tốn thêm chi phí vận chuyển.
- Nhưng trước khi bón phải được thực hiện ủ theo đúng quy trình nhằm loại bỏ mầm bệnh.
- Nếu dùng phân tươi bón trực tiếp cho cây sẽ không đem lại hiệu quả cao, giảm năng suất và còn gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người, cây trồng sẽ giảm năng suất.
- Sử dụng phân chuồng sẽ làm chua đất vì khi phân lên men có chứa axit hữu cơ, bắt buộc phải bón cùng với vôi, vì vậy sẽ tốn thêm chi phí.
V. Kỹ thuật ủ phân chuồng nhanh nhất và đạt hiệu quả cao
Phân chuồng đem lại nhiều lợi ích cần thiết cho cây trồng, tuy nhiên muốn phát huy tát dụng của phân chuồng đúng cách nhất thì cần phải trải qua quá trình ủ, không nên bón trực tiếp phân tươi cho cây trồng. Vậy ủ phân chuồng phải làm như thế nào và đâu là cách ủ phân chuồng nhanh nhất? Cùng xem các cách ủ phân thông dụng và các bước làm dưới đây để trang bị cho mình đủ kiến thức cần thiết phục vụ cho việc ủ phân nhé:
1. Cách ủ nóng
- Bước 1: Chuẩn bị nguyên liệu và địa điểm ủ phân hợp lý
Chuẩn bị số lượng phân (phân lợn, phân bò, phân gà, phân dê…) tùy thuộc vào nhu cầu sử dụng. Chuẩn bị nước sạch và các công cụ dùng để đảo trộn đều phân. Lựa chọn địa điểm ủ phân hợp lý cách xa khu nhà ở càng tốt để tránh ảnh hưởng đến sinh hoạt của gia đình và mọi người xung quanh. Sau đó chúng ta chất phân thành lớp và không được nén chặt lại. - Bước 2: Dùng nước sạch tưới sao cho độ ẩm tầm khoảng 60 – 70%
- Bước 3: Sử dụng thêm 1 -2% supe lân và 1% vôi bột để trộn thêm (để cân bằng độ PH).
- Bước 4: Sau đó trét bùn phủ kín và mỗi ngày tưới lượng nước vừa đủ giữ ẩm. Tầm 30 đến 40 ngày là sử dụng được.
2. Cách ủ nguội
- Bước 1: Chuẩn bị đủ số lượng phân tươi cần dùng và xếp thành lớp, mỗi lớp rắc thêm 1 – 2% phân lân và nén chặt lại.
- Bước 2: Tiếp theo đó trét bùn phủ kín bên ngoài tránh mưa và sau 5 – 6 tháng có thể sử dụng được. Hoặc có thể trộn thêm một số loại men vi sinh để rút ngắn thời gian ủ.
“Người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân”, muốn cây trồng phát triển tốt hãy sử dụng phân bón hợp lý. Với những thông tin về phân chuồng mà Phân Bón Hà Lan chia sẻ bên trên hi vọng sẽ giúp bạn nắm rõ được các thông tin cần thiết và có thêm nhiều kiến thức trong việc sử dụng phân bón cho cây trồng.