Những loại phân kali phổ biến và cách sử dụng để mùa màng bội thu

Những loại phân kali phổ biến và cách dùng

Phân bón kali đóng vai trò rất quan trọng đối với mỗi loại cây trồng, cho chất lượng nông sản tốt và năng suất cao. Dưới sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật, nhiều loại phân kali ra đời, mỗi loại phân có một đặc điểm riêng và cách sử dụng cũng khác nhau. Vậy phân kali là gì? Có những loại phân kali nào phổ biến và cách sử dụng như thế nào để mang lại hiệu quả cao? Những thông tin hữu ích sau đây của Công ty phân bón Hà Lan sẽ giúp bà con có cái nhìn tổng quan nhất.

Phân bón Kali là gì?

Phân kali là loại phân chứa những nguyên tố đa lượng cần thiết, thành phần chính là muối kali, cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng vào giai đoạn trưởng thành và ra hoa. Kali rất dễ tan trong nước, có tính chua sinh lý và hệ số chất dinh dưỡng sử dụng cao từ 60 – 70%. Tỷ lệ kali có trong hạt thấp hơn trong lá và thân. Giá trị dinh dưỡng của phân bón kali được đánh giá dựa trên tỷ lệ phần trăm của khối lượng K2O, tương ứng lượng K trong thành phần của phân kali.

Phân bón Kali là gì

Tác dụng của phân Kali với cây trồng

Tác dụng của phân bón Kali

Phân kali có vai trò chính trong việc chuyển hóa năng lượng, đồng hóa chất dinh dưỡng nhằm tạo ra năng suất, chất lượng cho nông sản.

  • Tác dụng của phân Kali với cây trồng là giúp tăng cường sức chịu rét cho cây nhờ vào việc tăng lực thẩm thấu của tế bào, hơn nữa còn giúp tăng cường khả năng kháng nấm, kháng bệnh hiệu quả.
  • Tăng khả năng hút chất dinh dưỡng và nước của rễ cây, điều tiết hoạt động sống thông qua tính chất hóa lý, hóa keo.
  • Ngoài ra, kali còn ham gia vào quá trình tổng hợp đường, tổng hợp tinh bột và protein để thúc đẩy năng suất cao hơn. Thúc đẩy quá trình tổng hợp đạm, giảm tác hại khi bón nhiều đạm, chuyển hóa đạm thành protein, giúp cây giữ nước được tốt hơn, chống được hạn hán.
  • Với cây ăn quả, bón kali giúp tăng tỷ lệ đậu quả, giảm rụng, nâng cao chất lượng nông sản, giúp cho màu sắc quả đẹp hơn, hương vị ngon hơn, đồng thời tăng khả năng bảo quản,…

Tác dụng của phân bón Kali

Tác hại khi cây trồng thiếu hoặc thừa phân bón kali

Cây trồng khi thiếu phân bón Kali

  • Phân bón kali là nguồn dinh dưỡng không thể thiếu đối với cây trồng, nếu thiếu phân thì năng suất cây trồng bị ảnh hưởng, không bội thu, tăng tỷ lệ hạt lép, cây cho trái nhỏ, vỏ dày và dễ nứt.
  • Thiếu kali làm ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất, suy yếu hoạt động của các men, làm dư thừa đạm khiến cho cây rất dễ bị nấm gây hại và gây ngộ độc cho cây
  • Thiếu kali còn làm giảm sức sống hạt giống, giảm tỷ lệ nảy mầm, khiến cho cây dễ ị thối rễ, thân yếu, phát triển còi cọc, làm chậm quá trình trao đổi chất của cây, giảm năng suất quang hợp và gây ảnh hưởng nhiều đến chất lượng.

Cây trồng khi thừa phân bón Kali

  • Bón phân kali quá mức dẫn đến thừa lượng phân cũng không tốt cho cây trồng. Nếu dư thừa lượng phân ở mức thấp sẽ gây đối kháng ion, cây sẽ không hút được dinh dưỡng Magie, Nitrat đầy đủ.
  • Nếu dư thừa kali ở mức cao sẽ làm tăng áp suất thẩm thấu trong môi trường đất, ngăn sự hút nước, hút chất dinh dưỡng của cây, giảm chất lượng cây, cây xanh rất dễ teo rễ, ảnh hưởng xấu đến mùa màng.
  • Gây nên ảnh hưởng có hại cho sức khỏe người dùng nếu sử dụng nông sản nhiều kali trong thời gian dài.

Những loại phân bón kali và cách sử dụng hiệu quả

Phân Kali trắng (Kali Sunfat – K2SO4)

  • Đặc điểm: Kali trắng có công thức hóa học là K2SO4, thành phần dinh dưỡng là 48 – 53% K2O; 17 – 18% lưu huỳnh. Phân được sản xuất ở dạng tinh thể nhỏ, màu trắng, mịn, ít hút ẩm, độ pH tương đương 7.
  • Cách sử dụng: Phân cung cấp nguồn lưu huỳnh quý giá, cần thiết cho việc tổng hợp enzyme và protein của cây. Dùng tưới hoặc phun qua lá, bón trước khi thu hoạch, phù hợp cho những loại cây như: chè, thuốc lá, cà phê, hạnh nhân, cam, quýt,…

Phân Kali trắng

Phân Kali Cacbonat (K2CO3)

  • Đặc điểm: Công thức hóa học là K2CO3, thành phần dinh dưỡng 68% K2O, được sản xuất dưới dạng bột tinh thể màu trắng, tan trong nước, hút ẩm tốt, độ pH dung dịch: 5 – 7.
  • Cách sử dụng: Phân cung cấp hàm lượng kali cao, thích hợp cho các loại cây trồng ở đất chua, không ưa clo, bón phân Kali Cacbonat làm giảm độ chua đất, tăng lượng tinh bột trong các loại cây có củ.

Phân Kali Nitrat hay phân NOP

  • Đặc điểm: Kali Nitrat có công thức hoá học là KNO3, thành phần dinh dưỡng là 13% N, 44 – 46% K2O. Phân ở dạng viên, dạng tinh thể với độ tan trong nước là 316 g/L, độ pH dung dịch là 7 – 10, dễ tan trong nước.
  • Cách sử dụng: Sử dụng phân để bón gốc hoặc bón qua lá, thích hợp cho các loại cây trồng thủy canh, phù hợp với cây trồng có nhu cầu Kali cao, đặc biệt là vào giai đoạn thu hoạch.

Phân Kali đỏ (Kali Clorua – KCl)

  • Đặc điểm: Công thức hóa học là KCl, thành phần dinh dưỡng là 50 – 60% K2O và 45 – 47 % Clo. Phân ở dạng bột, có màu hồng, độ rời tốt, kết tinh hạt nhỏ, độ hòa tan trong nước khá cao, độ pH tương đương: 7.
  • Cách sử dụng: Phân có giá thành rẻ nên được sử dụng nhiều, phù hợp cho nhiều loại đất, hàm lượng Kali cao nên được dùng để bón thúc hoặc bón lót cho cây. Phân được dùng nhiều cho các loại cây như lúa nước, ngô, lúa mì, dầu cọ,… Không sử dụng phân cho đất chua hay đất mặn. Khi bón nên kết hợp thêm với vôi để nâng cao độ pH đất.

Phân Kali đỏ

Phân Monopotassium photphat (MKP)

  • Đặc điểm: Công thức hóa học là KH2PO4, thành phần dinh dưỡng là 52% P2O5, 34% K2O, là muối vô cơ, màu trắng ở dạng tinh thể. Độ hòa tan trong nước là 226 g/L, độ pH từ 4.2 – 4.7.
  • Cách sử dụng: Bón phân ở giai đoạn sinh trưởng của cây có yêu cầu hàm lượng Lân, Kali cao, thích hợp với cây trồng đang trong tình trạng thiếu lân, thừa đạm. Phun vào thời kỳ cây con có khoảng từ 4 – 6 lá để giúp hệ thống rễ phát triển sớm, đồng thời giúp tăng cường hấp dinh dưỡng và nước. Phân có tác dụng làm kích thích cây ra rễ non, mau hồi phục hơn trong môi trường bị ngộ độc phèn và hữu cơ.

Phân bón Kali Magie Sunfat

  • Đặc điểm: Thành phần dinh dưỡng là 20 – 30% K2O, 16 – 22% lưu huỳnh, 5 – 7% MgO. Độ hòa tan trong nước là 240 g/L, độ pH tương đương 7.
  • Cách sử dụng: Phân có dạng hạt và không chứa clo, cung cấp nhiều dinh dưỡng từ đa lượng đến trung lượng cho cây trồng. Phù hợp cho những loại cây trên đất bạc màu hay đất cát nghèo, phù hợp với những loại cây có múi như bưởi, mít, cam, chanh, cam, măng cụt, sầu riêng,… và các loại có củ như cà rốt, cà chua, củ cải,…

Phân bón Kali Magie Sunfat

Một số lưu ý khi sử dụng phân bón kali để mùa màng bội thu

Kali là loại phân bón đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của cây trồng, tuy nhiên trong quá trình bón phân phải đúng kỹ thuật mới có thể mang lại một mùa màng bội thu. Dưới đây là những lưu ý cần thiết khi bón kali:

  • Hàm lượng phù hợp với loại cây trồng: Bón kali có nồng độ cao cho các loại cây nhạy cảm với clo, ví dụ như khoai tây, cây họ đậu. Bón cho loại cây lấy hạt nên bón phân có hàm lượng trung bình. Với cây lấy củ nên bón Kali có chứa thêm một ít natri.
  • Thời kỳ sinh trưởng của cây: Kali là chất rất cần thiết, nhất là khi cây ra hoa, đậu quả, bà con cần bón kali cho cây trồng đầy đủ.
  • Các yếu tố khác: Khi bón phân đạm cần bổ sung phân kali song song với quá trình đó. Sau khi bón nên hạn chế tưới nước, rửa trôi, cần chia ra nhiều đợt để bón với lượng nhỏ. Bên cạnh đó, muốn phát huy hiệu quả của phân bón kali, bà con cần kết hợp với nhiều loại phân bón khác, tốt nhất là nhóm phân NPK để nâng cao hơn nữa năng suất cho cây trồng.

Trên đây là những chia sẻ về những loại phân kali phổ biến và cách sử dụng để mùa màng bội thu, mong rằng bà con có được phương pháp bón phân phù hợp nhất, tăng năng suất cao cho nông sản của mình.