Cóc Thái là loại quả ngọt có vị hơi chua ngọt, giòn, nhiều xơ, có công dụng thanh nhiệt và giải độc, được nhiều người dùng ưa chuộng. Mặc dù bắt nguồn từ miền Nam nhưng vài năm trở lại đây, để đáp ứng nhu cầu thị trường, bà con nông dân đã gia tăng diện tích trồng trọt cây cóc Thái ở cả miền Bắc. Tuy nhiên, để cây cóc Thái cho ra trái xum xuê, bà con cần áp dụng đúng kỹ thuật và cung cấp đủ chất dinh dưỡng cho cây. Trong bài viết này, Phân bón Hà Lan sẽ chia sẻ đến bà con phương pháp trồng cây cóc Thái cho năng suất cao.
Đặc điểm của cây cóc Thái
Cây cóc Thái có tên khoa học là Spondias mombin L, là một loại cây ăn quả nhiệt đới thuộc họ Anacardiaceae – đào lộn hột. Đây là loài cây thân gỗ, sống lâu năm và có đặc điểm là ưa nắng. Do đó, có thể trồng cây cóc Thái ở nơi có nhiều ánh sáng hoặc ở nơi có ánh sáng mặt trời chiếu một phần. Khi trồng cóc thái ở nơi có đủ ánh sáng thì cây sẽ phát triển tốt và cho ra quả nhiều hơn.
Ngoài ra, cây cóc Thái là loài cây cho quả liên tục quanh năm, tỷ lệ ra hoa đậu quả cao và nhanh nên có thể thu hoạch quả nhanh chóng. Vậy cây cóc Thái trồng bao lâu có trái? Sau khi trồng khoảng từ 3 – 5 tháng là cây có thể cho thu hoạch. Cây cóc Thái sau khi trưởng thành có thể cao từ 1,5 – 5 mét và tán rộng từ 1 – 3 mét nên được rất nhiều người ở nhà phố ưa chuộng trồng trong chậu hoặc nơi có không gian nhỏ như sân vườn, trước cửa nhà, sân thượng, ban công,….
Những công dụng nổi bật của cây cóc Thái
Trong thịt cóc thái chứa rất nhiều hàm lượng dinh dưỡng như chất béo, vitamin C, sắt, carbohydrate, magnesium, calcium, potassium,… Nhờ đó mà khi ăn cóc Thái sẽ giúp tăng cường sức đề kháng cho người bị cảm cảm cúm.
Vị chua tự nhiên của cóc Thái sẽ giúp kích thích dạ dày sinh tân dịch, tăng cường tiêu hóa và ăn ngon miệng. Hơn nữa, vitamin C trong quả cóc Thái còn giúp giải nhiệt và giải khát hiệu quả. Đặc biệt, khi bị đau họng, bạn có thể chấm cóc với muối, nhai kỹ và nuốt chậm để giảm đau họng hiệu quả.
Cóc Thái còn có thể muối chua, sử dụng trong các món gỏi lạ miệng hoặc chế biến thành mứt cóc dẻo ngon. Người dân Nam Bộ thường sử dụng lá cóc Thái để làm các món gỏi cuốn nổi tiếng với vị chua dịu đặc biệt. Đối với phái đẹp, quả cóc Thái còn có tác dụng làm đẹp, giúp giảm cân, tăng cường tiêu hóa và làm cho làn da trở nên tươi sáng. Ngoài ra, vỏ thân cây cóc cũng có giá trị y học, được sử dụng để điều trị tiêu chảy.
Cách trồng và chăm sóc cây cóc Thái ra trĩu quả
Mặc dù cây khá dễ trồng, ít sâu bệnh, nhưng nếu trong quá trình trồng và chăm sóc cây cóc Thái, bà con không thực hiện đúng kỹ thuật thì sẽ làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây. Do đó mà trong phần nội dung dưới đây Phân bón Hà Lan sẽ chia sẻ cho bà con cách trồng và kỹ thuật chăm sóc cây cóc Thái cho ra nhiều quả:
Cách trồng cây cóc Thái
Trong những năm gần đây, cây cóc Thái mang lại giá trị kinh tế rất cao nên được nhiều bà con nông dân gia tăng diện tích trồng trọt nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, để trồng thành công, bà con cần tuân theo các bước hướng dẫn trồng cây cóc Thái sau đây:
Chọn giống cây
Hiện nay, cây giống cóc Thái được bà con sử dụng có hai loại là nhân giống bằng hạt và ghép mắt, nhưng phương pháp ghép mắt được áp dụng phổ biến hơn. Bởi vì cây ghép cóc Thái có ưu điểm mọc nhanh, cho năng suất cao và thu hoạch sớm. Khi chọn giống cây cóc Thái, bà con nên mua tại các đơn vị cung cấp giống uy tín và chất lượng. Điều này đảm bảo rằng cây con cóc Thái sẽ đúng giống, khỏe mạnh và không bị sâu bệnh hại. Cây con cóc Thái đạt chuẩn để trồng phải đạt chiều cao cành ghép từ 30 – 50cm, đường kính gốc ghép từ 1,5 – 2cm và tuổi ghép mắt từ 3 – 5 tháng.
Thời vụ trồng cây cóc
Cây cóc Thái là một loài cây xuất xứ từ vùng nhiệt đới và có khả năng thích ứng với nhiều điều kiện khí hậu khác nhau. Do đó, nó có thể được trồng quanh năm, tùy thuộc vào vùng miền và điều kiện cụ thể. Tuy nhiên, để đảm bảo sự phát triển tốt nhất, thời vụ trồng có thể khác nhau tùy theo khu vực. Ở các tỉnh Nam Bộ, thời vụ tốt nhất để trồng cây cóc Thái là vào đầu mùa mưa. Ngược lại ở vùng Bắc Bộ, thời gian tối ưu để trồng cóc Thái thường nằm trong khoảng từ tháng 2 – 4 dương lịch.
Chọn khu vực đất trồng
Cây cóc Thái là một loại cây dễ trồng và có khả năng thích nghi với nhiều loại đất khác nhau. Tuy nhiên, để đảm bảo cây có thể phát triển tốt, bà con cần lựa chọn khu vực đất trồng phù hợp. Cây cóc Thái có thể phát triển tốt trên đất có thành phần cơ giới nhẹ như đất phù sa, đất thịt nhẹ,…, đất có tầng trồng trọt dày trên 50cm.
Đặc biệt, đất có hàm lượng mùn cao, giàu chất dinh dưỡng, tơi xốp và có khả năng thoát nước tốt sẽ là điều kiện lý tưởng cho sự phát triển của cây cóc Thái. Hiện nay, cây cóc Thái đang được canh tác phổ biến ở các tỉnh Nam Bộ và một số vùng Bắc Bộ.
Đào hố và bón lót trồng cây
Mật độ trồng cây cóc Thái thường phụ thuộc vào mức đầu tư và trình độ thâm canh của từng hộ gia đình. Nhưng thông thường mật độ trồng cóc Thái từ 250 – 600 cây/hecta, với khoảng cách giữa các cây từ 4 – 6 mét. Để chuẩn bị trồng cây cóc Thái, trước hết, đất cần được diệt trừ sạch cỏ dại và dọn dẹp tàn dư của các loại thực vật khác, sau đó tiến hành đào hố. Khi đào, đất thường được phân thành từng lớp để giữ cho đất tách biệt. Hố thường có kích thước đường kính từ 30 – 50cm và độ sâu phụ thuộc vào kích thước bầu cây con từ 30 – 40cm.
Sau khi đào hố, hãy tiến hành bón phân lót để cung cấp chất dinh dưỡng cho cây. Lượng phân bón tính cho mỗi gốc cây là từ 40 – 50kg phân chuồng hoai mục kết hợp với 1 – 2 kg Super lân. Trộn đều lượng phân bón lót với tầng đất mặt sau đó cho xuống 3/4 của hố và lấp đầy hố bằng lớp đất đáy. Công đoạn làm đất và đào hố trồng cây cóc Thái nên được thực hiện trước khi trồng từ 20 – 30 ngày.
Cố định thân cây
Sau khoảng 20 – 30 ngày từ khi bón lót, trên những hố đã đào trước, bà con tiến hành cơi hốc nhỏ, kích thước của hốc sẽ phụ thuộc vào kích thước của bầu cây con. Sau đó, sử dụng dao cắt vỏ bầu để mở hốc và tiến hành đặt cây con vào giữa hốc một cách nhẹ nhàng, đảm bảo không làm vỡ bầu cây con. Cây cần được điều chỉnh sao cho thân cây đứng thẳng, sau đó tiến hành lấp đất vào nén chặt để cố định cây và mặt đất được vun cao hơn mặt bầu từ 2 – 3cm.
Sau khi trồng xong, bà con có thể dùng rơm rạ để phủ lên xung quanh cây nhằm giữ độ ẩm cho đất. Ngoài ra, để ngăn ngừa cây đổ ngã khi gặp gió lớn, bà con nên tiến hành cắm cọc tre để cố định thân cây. Cuối cùng, tiến hành tưới nước để dưỡng ẩm cho rễ cây phát triển nhanh chóng và giúp cây cóc Thái sẽ phát triển khoẻ mạnh.
Trồng cây cóc Thái trong chậu
Ngoài kỹ thuật trồng cóc Thái trực tiếp trong đất, loại cây này cũng có thể trồng trong chậu nếu không gian nhỏ hoặc muốn trồng cây ăn quả trong sân thượng để tạo điểm nhấn xanh tại nhà. Với cách trồng cây cóc Thái trong chậu, nên lựa chọn chậu có kích thước miệng từ 35 – 40cm và chiều cao từ 30 – 50cm. Chậu lớn sẽ tạo điều kiện cho cây cóc Thái phát triển lâu dài, cho ra nhiều cành nhánh và quả. Đồng thời, để đảm bảo thoát nước tốt, bạn có thể kê một lớp gạch hoặc gỗ ở đáy chậu trồng cây.
Kỹ thuật chăm sóc cây cóc Thái phát triển tốt
Chăm sóc cây cóc Thái đúng cách sẽ giúp cây sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh và cho năng suất tốt. Dưới đây là một số kỹ thuật chăm sóc cây cóc Thái mà bà con cần lưu ý:
Tưới nước
Việc cung cấp đủ nước cho cây cóc Thái là rất quan trọng, đặc biệt trong thời điểm mùa khô và khi cây trong giai đoạn quả đang lớn và sắp chín. Đối với cây cóc Thái được trồng trong chậu, khi tưới nước, bà con cần tưới chậm để nước có thời gian thấm sâu xuống dưới bộ rễ của cây. Điều này giúp đảm bảo rễ cây cóc Thái nhận đủ nước cần thiết để phát triển và tránh bị úng. Thời điểm tốt nhất để tưới nước là vào buổi sáng, nếu trời nắng gắt bạn cũng có thể tưới thêm vào buổi chiều để đảm bảo cây không bị thiếu nước.
Làm cỏ
Để hạn chế sự phát triển của cỏ dại, bà con có thể phủ bề mặt đất quanh gốc cây bằng cỏ, rác, cây phân xanh,… Sau mỗi trận mưa lớn, cần phải xới phá váng để đảm bảo nền đất được thông thoáng và cỏ dại không phát triển quá nhanh. Quá trình làm cỏ thường được thực hiện vào vụ xuân trong khoảng tháng 1 – 2 và vụ thu vào khoảng tháng 8 – 9. Ngoài ra, bà con nên xới sạch toàn bộ diện tích đất trồng cây cóc Thái sau một mùa vụ và xơi gốc 2 – 3 lần trong một năm.
Cắt tỉa cây và tạo hình
Để cây cóc Thái không phát triển quá cao và ra nhiều quả hơn, bà con nên thường xuyên cắt tỉa ngọn, thời điểm phù hợp nhất là vụ xuân. Cách tỉa cành cây cóc Thái hiệu quả là bà con có thể cắt trụi cành và nhánh nhỏ của cây để cây phát triển nhanh hơn vào mùa hè. Thông qua việc cắt tỉa và tạo hình, bà con có thể loại bỏ những cành yếu và nhánh nhỏ để cây tập trung phát triển vào quả.
Phân bón
Phân bón đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết cho cây cóc Thái, đảm bảo cây phát triển khỏe mạnh và cho năng suất cao.
- Đối với giai đoạn cây tơ: Hàng năm, bà con nên bón từ 20 – 40g phân NPK 16-16-8 và khoảng 20g phân urê cho mỗi cây, chia đều thành hai lần bón phân vào đầu mùa mưa và cuối mùa mưa. Ngoài ra cũng nên bổ sung từ 1 – 3kg phân bón NPK Seven chuyên dùng cho cây ăn trái để cung cấp chất hữu cơ cho đất, từ đó giúp cây cóc Thái phát triển ổn định.
- Đối với giai đoạn cây trưởng thành: Bà con nên bón tối thiểu từ 2 – 5kg phân NPK HÀ LAN 12-12-18+TE cho mỗi cây và từ 3 – 4kg phân bón NPK Seven cây ăn trái, chia thành 2 phần, bón vào mùa mưa và tháng 9 – 10 dương lịch. Đồng thời, sau những năm trúng mùa, bà con nên tăng lượng phân bón NPK lên để hồi sức cho cây và đảm bảo rằng cây có đủ chất dinh dưỡng để phát triển và cho ra quả nhiều hơn.
Phòng trừ sâu bệnh
Phòng trừ sâu bệnh là một phần quan trọng trong việc chăm sóc cây cóc Thái để đảm bảo mùa vụ năng suất cao. Dưới đây là một số biện pháp phòng trừ sâu bệnh cơ bản cho cây cóc Thái:
- Bệnh thán thư: Bệnh này có thể làm thối đen hoa, rụng hoa và gây hại trên quả. Để phòng trừ bệnh này, bà con có thể sử dụng các loại thuốc như Score 250 EC hoặc Benlat C. Phun thuốc từ khi hoa nở đến 2 tháng sau, với tần suất 1 lần/tuần, sau đó giảm xuống 1 lần/tháng.
- Bệnh phấn trắng: Bệnh xâm nhiễm và gây hại lá, hoa và quả, đặc biệt xảy ra ở hoa và chùm hoa. Để phòng trừ bệnh này, có thể sử dụng các loại thuốc như Anvil 5SC, Rhidomila MZ 72WP.
- Bệnh muội đen: Bệnh này do sự bài tiết của rệp gây ra. Để phòng trừ bệnh, bà con có thể sử dụng Trebon 2,5EC, Basa 50EC và có thể phun các loại thuốc trừ nấm có gốc đồng.
- Bệnh cháy lá: Căn bệnh này thường phát triển trong mùa mưa và gây hại chủ yếu trên lá. Để phòng trừ bệnh cháy lá, bà còn cách cắt bỏ lá bệnh và phun thuốc như Kasumin 2L, Rhidomil MZ 72 WP.
- Sâu đục thân, cành: Để phòng trừ sâu đục thân và cành, có thể sử dụng bẫy đèn để bắt sâu trưởng thành hoặc tiêm vào lỗ những loại thuốc có tính xông hơi mạnh hoặc nội hấp như Padan 95SP hoặc Actara 25 WG, sau đó, có thể bịt lỗ bằng đất sét để diệt sâu non.
- Rầy xanh: Loại rầy này gây hại mùa nóng và làm cây cóc Thái kém phát triển, thời gian hại mạnh nhất sẽ từ tháng 10 năm trước – tháng 6 năm sau. Để phòng trừ rầy xanh, bạn có thể sử dụng các loại thuốc như Basa 50 EC hoặc Trebon 2,5 EC.
- Ruồi đục quả: Loại ruồi này thường tấn công vào quả đã già, sau đó đẻ trứng dưới lớp vỏ. Khi trứng trưởng thành thành sâu non, chúng sẽ ăn thịt làm quả thối và rụng dần. Để phòng trừ, có thể sử dụng Lục Sơn 0,26 DD, Sherpa 25 EC, hoặc Padan 95 SP.
Thu hoạch và bảo quản
Khi tới mùa thu hoạch quả cóc Thái, việc thu hái quả cần được thực hiện cẩn thận để đảm bảo rằng quả được hái đúng cách và cây cóc Thái vẫn có điều kiện phát triển tốt. Khi thu hái quả, nên sử dụng kéo hoặc dao cắt hết quả trong chùm để quả không bị hỏng trong quá trình thu hoạch. Sau khi thu hoạch, bà con cần cắt bớt nhánh cây để giúp cây cóc Thái dưỡng sức cho đợt quả mới.
Tóm lại, kỹ thuật trồng cây cóc Thái và cách chăm sóc cây khá đơn giản nếu bà con chọn giống tốt cũng như gieo trồng đúng mùa vụ. Hy vọng những thông tin hướng dẫn ở trên sẽ giúp cho bà con có một mùa vụ cóc Thái năng suất và thành công. Liên hệ ngay với Công ty Phân Bón Hà Lan để mua các loại phân bón chất lượng, giúp cây trồng phát triển tốt, gia tăng năng suất.