Trồng rau sạch nhưng lá rau bị vàng khiến người nông dân không khỏi đau đầu. Vậy nguyên nhân dẫn đến hiện tượng vàng lá này do đâu? Bài viết dưới đây sẽ chỉ ra cho bạn 10 nguyên nhân hàng đầu khiến việc trồng rau sạch bị vàng lá và cách khắc phục hiệu quả.
Thế nào là trồng rau sạch?
Rau sạch hay rau an toàn là loại rau được trồng theo quy trình đảm bảo tiêu chuẩn hạn chế mức thấp nhất việc sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng, phân hóa học… Mục đích cuối cùng của hoạt động trồng rau sạch là tạo ra nguồn thực phẩm chứa ít lượng độc tố còn tồn tại trong rau như gốc muối NO3-, thuốc trừ sâu, kim loại nặng, vi sinh vật gây bệnh.
Một số yếu tố ảnh hưởng đến quá trình và chất lượng rau sạch là đất trồng, lượng phân bón, lượng thuốc trừ sâu sử dụng, nước tưới, thời điểm thu hoạch. Đây cũng là những căn cứ nền tảng để người trồng rau xác định độ sạch của rau xanh tạo thành.
Phân biệt rau sạch bị vàng lá do thiếu nguyên tố vi lượng, đất và sâu bệnh
Rau sạch bị vàng lá do thiếu vi lượng thường có xu hướng vàng đối xứng trên mặt lá, cả lá và cành. Hiện tượng vàng xuất hiện ở toàn thân hoặc diện tích lá rộng. Bên cạnh vàng lá, một số biểu hiện thiếu nguyên tố vi lượng khác trong rau là:
- Thiếu nitơ (thiếu đạm): Lá rau nhạt, mỏng, hẹp, thẳng đứng, có độ cuộn nhỏ, dễ rụng lá và cành.
- Thiếu photpho (lân): Lá có màu xanh sạm, cây dễ bị bật rễ và đổ, quả biến dạng, vỏ dày, cùi rỗng và khô.
- Thiếu mangan: Lá vàng từ cuống lên đến chóp, mỗi bên của tĩnh mạch lá có màu xanh.
- Thiếu kali: Lá có màu nâu vàng gần đỉnh lá, cuống lá bay mất màu và lá dễ rụng.
- Thiếu kẽm: Lá vàng, gân lá xanh, nhỏ, xếp dày nhau. Cành non dễ bị thui chột, quả nhỏ và kém dinh dưỡng.
- Thiếu đồng: Lá có màu xanh đậm, vỏ quả có đốm nâu và nứt của cuống quả.
Lá bị vàng do đất thường do đất thiếu chất dinh dưỡng. Những dấu hiệu của hiện tượng này là cành và lá héo rũ, lá và gân vàng đều. Lá vàng do sâu bệnh sẽ xuất hiện các đốm tròn nhỏ. Sau một thời gian vi khuẩn tấn công vào các vết hở và các đốm lan rộng ra xung quanh.
Nguyên nhân trồng rau sạch bị vàng
Rau bị úng nước
“Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống” là câu nói được thế hệ đi trước đúc rút ra để nói về về tầm quan trọng của các yếu tố trong canh tác cây trồng. Nước là yếu tố quan trọng đầu tiên để cây có thể phát triển. Tuy nhiên, nếu rau được tưới quá nhiều nước sẽ dẫn tới ứ đọng làm vàng lá. Những nguyên nhân gây ứ đọng nước:
- Người trồng tưới nước theo khuyến nghị 2 lần/ngày nhưng mỗi lần tưới quá nhiều.
- Cây rau trồng với mật độ quá sát, rễ cây không có độ thoáng.
- Cây trồng trong chậu không có lỗ thoát nước.
- Lượng nước mưa quá lớn đến từ tự nhiên, nhất là vào mùa hè ở miền Bắc, miền Trung và mùa mưa tại miền Nam.
Trong trường hợp này, người trồng cần tạm thời ngưng tưới nước trong 1 – 2 ngày, khơi thông luống để thoát nước dễ dàng, tỉa rau nếu mật độ quá lớn. Sau thời gian vài ngày, cây sẽ khôi phục lại màu lá xanh thường thấy.
Thiếu phân
Phân bón hữu cơ và phân vô cơ là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng quan trọng cho rau trồng. Thiếu phân bón khiến cây bị vàng lá, lá xuất hiện vết lồi lõm, héo úa và rụng dần.
Khi bạn thấy cây trồng bắt đầu xuất hiện vàng lá, người trồng hãy bổ sung chất dinh dưỡng bằng cách hãy pha lượng vừa phải phân NPK với nước và tưới đều.
Bón phân quá nhiều
Bón phân quá nhiều cho rau trồng cũng là nguyên nhân khiến cây bị vàng lá, thậm chí thối gốc, thối rễ và chết. Khi gặp trường hợp này, người trồng cần ngưng tưới nước, ngưng bón phân và rắc hạt cải vào diện tích rau sạch bị vàng lá. Khi cải con mọc lên và rau trồng ban đầu đã giảm đáng kể lá vàng, người trồng có thể nhổ cây cải lên ăn nếu mật độ cây trồng quá cao.
Thiếu nước
Những biểu hiện của rau vàng lá do thiếu nước là lá màu vàng nhạt, bề mặt không trơn láng, lá rũ xuống, cuống lá mềm. Lúc này, người trồng cần loại bỏ các lá vàng và bổ sung nước cho diện tích cây trồng cho cả bề mặt lá và rễ.
Không đủ không gian sống
Chậu trồng quá nhỏ so với cây sẽ không đủ không gian trong đất để rễ cây phát triển. Do vậy, đối với những cây rau có bộ rễ lớn như cà chua, đỗ, dưa chuột…, người trồng nên trồng trong những chậu lớn và dài.
Thiếu ánh nắng mặt trời
Đa số các rau trồng ăn lá đều là loại cây ưa sáng. Do vậy, nếu người trồng trồng rau trong khu vực bị ươm bóng các cây lớn, trồng xen kẽ với mật độ quá dày sẽ khiến rau dễ bị vàng lá. Để khắc phục hiện tượng vàng lá do thiếu ánh nắng, bạn có thể di dời rau trồng sang nơi có đầy đủ ánh sáng, tỉa rau để giảm mật độ trồng hoặc loại bỏ các cây cao lớn hơn.
Thay đổi môi trường sống
Thay đổi môi trường sống của cây là thay đổi những điều kiện về nhiệt độ, ánh sáng, độ ẩm. Trong trường hợp này, cây dễ dàng bị sốc nhiệt, chưa thích ứng kịp với môi trường. Thông thường, nếu người trồng cung cấp đủ nước và ánh sáng, cây sẽ tự hồi phục được sau một thời gian ngắn.
Đất có độ kiềm cao
Các loại rau xanh đa số phát triển tốt nhất trong môi trường đất có độ pH từ 6 – 6.8. Đất kiềm là loại có độ pH >7.5, không phù hợp để trồng rau và đa số các loại cây trồng ăn quả khác.
Để khắc phục hiện tượng này, người trồng cần loại bỏ cây trồng và xử lý lại đất bằng cách bón các chất có môi trường axit như lưu huỳnh, muối có gốc SO4. Chỉ khi độ pH trở về được mức thuận lợi rau sạch mới có thể phát triển tốt.
Đất trồng không thoát nước
Đất sét là loại điển hình nhất của đất trồng không thoát nước. Đây là loại đất khó thấm nước, giữ nước tốt, thoát khí kém. Do vậy, mỗi khi trời mưa hay bơm nước vào khu vực trồng rau trong đất sét, đất sẽ giữ nước trong một thời gian vô cùng dài. Điều này sẽ làm rễ cây bị thiếu khí dẫn đến thối rễ, thối thân.
Để giảm tác động của đất sét, người trồng cần đặc biệt chú ý về biện pháp thoát nước trong quá trình làm luống rau. Khi chăm sóc rau cũng không nên tưới quá đẫm nước.
Sâu hại lá
Côn trùng, sâu bệnh là tác nhân phổ biến tác động lên toàn bộ quá trình sinh trưởng, phát triển của rau sạch. Những luống rau sạch bị vàng lá chủ yếu do loai nhện đỏ, ruồi trắng, rệp gây nên. Các loại côn trùng này thường ẩn núp trên thân, dưới tán lá và hút các chất dinh dưỡng có trong cây trồng.
Để loại bỏ côn trùng, người trồng có thể bắt bỏ nếu số lượng nhỏ, sử dụng chế phẩm sinh học hoặc thuốc trừ sâu khi còn sớm để tránh sinh vật sinh sản, lây lan.
Cách khắc phục hiện tượng rau bị vàng lá
Bên cạnh việc tìm hiểu nguyên nhân và chọn cách khắc phục, người trồng có thể chủ động áp dụng một số biện pháp để tránh rau sạch bị vàng lá. Những giải pháp hay có thể được sử dụng như sau:
- Trồng cây trong nhà kính để giảm tác động của côn trùng, sâu bệnh và môi trường.
- Xử lý đất thật kỹ trước khi gieo hạt: Kiểm tra độ pH, thoát nước cho luống rau, cày xới tơi xốp.
- Lựa chọn các loại đất trồng phù hợp như đất thịt, đất phù sa, đất bazan.
- Có chế độ chăm sóc: Tưới nước, bón phân, tỉa cành, chọn vị trí trồng… phù hợp.
Nội dung bài viết đã cung cấp đến bạn đọc 10 nguyên nhân và cách khắc phục hiện tượng trồng rau sạch bị vàng lá. Bên cạnh đó, 1 số biện pháp để phòng tránh vàng lá trên rau cũng được chia sẻ. Hy vọng với những thông tin ở trên, bạn sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm trong chăm sóc diện tích rau trồng của gia đình.