Kỹ thuật trồng và cách chăm sóc thanh long

Thanh long là một trong những loại cây ăn quả phổ biến và đem đến giá trị kinh tế cao ở nước ta. Loại hoa quả này được trồng ở nhiều khu vực và tỉnh thành khác nhau, trong đó, các vùng có sản lượng lớn nhất bao gồm Bình Thuận, Long An, Tiền Giang. Không chỉ phục vụ thị trường trong nước, hiện nay, thanh long đóng góp một phần không nhỏ trong kim ngạch xuất khẩu hoa quả của nước ta ra thị trường quốc tế. Nhằm hướng đến việc nâng cao sản lượng và chất lượng thanh long, bài viết dưới đây sẽ hướng dẫn bà con nông dân các kỹ thuật trồng và chăm sóc cây thanh long đúng tiêu chuẩn.

I. Chuẩn bị trước khi trồng thanh long

1. Lựa chọn giống thanh long

Lựa chọn giống thanh long
Lựa chọn giống thanh long

Bà con cần cân nhắc đến điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu và nhu cầu thị trường để lựa chọn giống cây thanh long phù hợp, có khả năng phát triển tốt và khỏe mạnh, ít sinh bệnh, cho nhiều trái chất lượng.

Thông thường, nếu lựa chọn trồng thanh long từ hạt giống, bà con cần bỏ nhiều thời gian công sức để chăm sóc ở giai đoạn ban đầu. Đồng thời thời gian chờ đợi cây sinh trưởng và phát triển trước khi thu hoạch cũng sẽ kéo dài đáng kể.

Do đó, phương án phổ biến nhất hiện nay là lựa chọn trồng thanh long từ hom. Các hom đạt tiêu chuẩn phải có tuổi cành khoảng 1 – 2 năm, đã lấy trái, khỏe mạnh, sạch sâu bệnh, các mắt chùm gai nên có tầm 3 – 5 gai (đây là loại có khả năng nảy chồi tốt nhất).

2. Xem thời vụ

Vào khoảng tháng 10 – 11 dương lịch là thời điểm lý tưởng nhất để trồng thanh long vì thời điểm này hom giống dồi dào, tận dụng được lượng nước tưới từ mưa cuối mùa, tránh nguy cơ ngập úng.

Ở những vùng thiếu nước, nên trồng thanh long vào khoảng tháng 4-5 để tận dụng nguồn nước mưa đầu mùa. Tuy nhiên, thời điểm này hom giống thường ít hơn và chất lượng không quá tốt.

3. Tính mật độ trồng

Mật độ cây trồng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến hai vấn đề: thứ nhất, cạnh tranh dinh dưỡng giữa các cây trồng gần nhau; thứ hai, các công việc liên quan đến chăm sóc cây trồng về sau. Khoảng cách giữa các cây sẽ được tính toán dựa trên kích thước của các loại máy móc được sử dụng để chăm sóc cây, kích thước rễ và chiều cao trụ cây.

Cách bố trí cây thanh long được sử dụng phổ biến nhất hiện nay bao gồm: 2,7m x 2,7m; 2,5m x 2,7m; 2,4m x 2,6m. Trong quá trình sắp xếp các hàng trồng thanh long, bà con nên linh hoạt điều chỉnh tăng giảm để giữ số hàng chẵn, tạo thuận lợi cho quá trình chăm sóc về sau.

4. Chuẩn bị đất trồng thanh long

Chuẩn bị đất trồng thanh long
Chuẩn bị đất trồng thanh long

Loại đất trồng phù hợp nhất với đặc điểm và nhu cầu dinh dưỡng của thanh long là đất xám bạc màu, cát pha hoặc đất núi. Do đó, khu vực lý tưởng nhất để trồng thanh long là ở Bình Thuận, Đồng Nai và một số vùng đất thấp ở Tiền Giang, Long An,… Với những loại đất khác, bà con cần cân nhắc kỹ giữa việc lựa chọn cải tạo đất và thay đổi quyết định trồng thanh long để đảm bảo yếu tố về kinh tế.

Trước khi trồng thanh long, đất trồng cần được cày bừa kỹ, phơi đất, trừ sạch cỏ dại. Ở những vùng đất cao nên xử lý việc cắm cọc, đào lỗ và xuống trụ sớm, sau đó đào hỗ quanh trụ và tiến hành bón lót. Ở những vùng đất thấp, ngoài vấn đề xây trụ, cần chuẩn bị cả các mô để tránh tình trạng nhập úng.

5. Dựng trụ

Dựng trụ
Dựng trụ

Trụ xi măng cốt sắt là loại trụ được sử dụng phổ biến nhất trong trồng thanh long. Kích thước trụ 11x11x180cm, chôn trụ sâu khoảng 40 – 50cm, đảm bảo sau khi chôn trụ thì chiều cao trên mặt đất của trụ còn khoảng 1.3 – 1.4m.

Độ cao của trụ vào khoảng 1.3 – 1.4m sẽ giúp giữ chi phí đầu tư ở mức tốt nhất, cành thanh long nhanh chóng phát triển, dễ chăm sóc và thu hoạch. Nếu để trụ quá thấp, các cành thanh long rủ xuống mặt đất sẽ làm bạn mất nhiều thời gian cắt tỉa lại làm giảm năng suất của các cây.

Dựng trụ cần được thực hiện trước ít nhất 1 tháng. Lúc dựng trụ phải đứng thẳng, không bị lệch hay có dấu hiệu nghiêng đổ. Đầu các trụ nên được đóng thêm một khung để cảnh thanh long có chỗ bám và phát triển theo hình dạng phù hợp, dễ chăm sóc, thu hoạch.

6. Bón lót

Nếu bà con chuẩn bị đất sát thời điểm gieo trồng, tiến hành bón lót vào thời điểm một ngày trước khi trồng và 6 tháng sau khi trồng. Bón lót bằng 10 – 15 kg phân chuồng hoai mục và 0.5 kg supe lân mỗi trụ. Cũng có thể dùng các loại phân hữu cơ Organic 1 của công ty phân bón Hà Lan với lượng 1 – 2 kg/trụ để thay phân chuồng.

Nếu bà con chuẩn bị đất từ sớm, nên tiến hành bón lót một lần ngay sau khi dựng trụ. Cần đào sâu khoảng 20 – 30cm và sử dụng lượng phân bón tương tự như công thức ở trên, sau đó lấp đất lên phía trên chờ ngày trồng thanh long.

II. Kỹ thuật trồng thanh long

Kỹ thuật trồng thanh long
Kỹ thuật trồng thanh long

1. Cách trồng thanh long

  • Đặt 4 hom quanh 4 phía của trụ.
  • Áp phần phẳng của hom vào phía mặt trụ.
  • Sử dụng dây nilon hoặc dây vải buộc giữ các hom cố định trên trụ.
    Lưu ý không nên buộc quá chặt, làm bề mặt các hom bị nứt gãy, phát triển không bình thường.
  • Cuối cùng, tưới thêm nước, sử dụng rơm, cọ để giữ ẩm quanh các trụ thanh long.

2. Các lưu ý quan trọng trong quá trình trồng thanh long

  • Khoảng cách từ mặt đất đến vị trí đặt hom là khoảng 5cm, vừa đảm bảo hom có thể phát triển chạm đất, nhanh chóng mọc rễ địa sinh để hấp thụ dinh dưỡng, vừa tránh được tình trạng mốc, thối gốc.
  • Nên đặt áp phần của hom vào mé trụ để khi ra rễ, rễ có thể nhanh chóng bám chắc vào trụ, đồng thời, tránh khiến hom bị ảnh hưởng khi cột trụ nóng lên do trời nắng kéo dài.

III. Chăm sóc thanh long

1. Bón phân cây thanh long

Bón phân cây thanh long
Bón phân cây thanh long

Các giai đoạn và liều lượng sử dụng phân bón của cây thanh long:

  1. Dưới 1 năm tuổi: 2 tuần sau khi trồng, lúc cây đã ra rễ hoàn chỉnh là thời điểm thích hợp để bón phân lần đầu tiên. Bón NPK 16-16-8 hoặc NPK 20-20-15, liều lượng thích hợp là 0,2 – 0,3 kg/trụ/lần. Ở những tháng đầu tiên, cứ cách 10 ngày bón 1 lần, từ tháng thứ 4 trở đi, cách 15 ngày bón một lần. Ngoài ra, tùy theo độ tuổi và tính trạng thực tế của đất, bà con có thể điều chỉnh linh hoạt lượng phân bón.
  2. Từ 1 – 3 năm tuổi: cây thanh long bước vào thời kỳ kinh doanh, bà con nông dân cần thực hiện bón phân 4 – 6 lần mỗi năm vào các thời kỳ của Thanh Long: phục hồi thanh long sau thu hoạch, dưỡng dây, tạo mầm hoa, nuôi hoa, nuôi trái non, thu hoạch. Bón với lượng 0,3 – 0,5 kg/trụ/lần. Trong thời kỳ nuôi trái có thể sử dụng phân bón windmill để tăng chất lượng.
  3. Sau thu hoạch: nhà nông nên bón lót bằng phân hữu cơ Organic 1 với lượng 2 – 3 kg/trụ/lần nhằm tái tạo đất, tăng độ tơi xốp đất, giúp các vi sinh vật có lợi cho đất phát triển nhằm tăng hiệu suất sử dụng phân NPK sau này và kích hệ rễ cây phát triển mạnh, giúp thanh long khỏe mạnh hơn, hạn chế sâu bệnh.

2. Chăm sóc định kỳ

  • Thanh long cần được cung cấp đủ nước và thường xuyên, đặc biệt là trong thời điểm mùa khô hoặc cây đang phát triển, chuẩn bị ra trái, trái sắp chín.
  • Phòng trừ cây cỏ dại để tránh tình trạng thanh long khó hấp thụ được dinh dưỡng từ đất trồng xung quanh; nên phủ gốc bằng cỏ, phân xanh, tiến hành xới đất làm cỏ định kỳ để đảm bảo loại bỏ sạch cây cỏ dại trong vườn.
  • Thường xuyên quan sát, kiểm tra tình trạng phát triển và sâu bệnh của cây để có phương án điều chỉnh phù hợp, giúp cung cấp đủ dinh dưỡng để cây khỏe mạnh, ra trái chất lượng.

3. Cắt tỉa, tạo hình cho cây

Việc cắt tỉa cành được thực hiện để loại bỏ những cành bị sâu bệnh, những cành yếu, ít có khả năng ra trái để cây tập trung cung cấp dinh dưỡng sang các cành khỏe mạnh. Các cành nằm khuất, khiến quả không có nhiều không gian cho quả phát triển hoặc những cành đã cho quả liên tiếp 3 năm cũng nên bị tỉa bỏ. Thông thường, việc cắt tỉa cành sẽ được thực hiện sau mỗi mùa thu hoạch.

Các cành từ mặt đất đến đỉnh trụ được giữ lại nên được cột sát vào trụ để tránh bị gãy khi mưa gió. Các cành mới trên đỉnh trụ được lựa chọn theo nguyên tắc 1 cành mẹ, 2 cành con. Các cành to khỏe luôn được ưu tiên số một.

4. Phòng trừ sâu bệnh hại

Phòng trừ sâu bệnh hại
Phòng trừ sâu bệnh hại

Kiến và ruồi đục trái là hai loại côn trùng hay tấn công trái thanh long, khiến trái bị bệnh, làm hỏng vỏ và thịt quả, làm mất giá trị của quả thanh long. Để ngăn ngừa hai loại côn trùng này, có thể sử dụng các loại bã mồi, liều lượng tùy theo tình huống thực tế của vườn.

Bên cạnh đó, thanh long có thể mắc phải một số loại sâu, bệnh hại khiến cành bị thối, hỏng và phải bị cắt bỏ. Bà con nên chú ý đến tình trạng của cảnh thường xuyên để kịp thời xử lý từ khi có các dấu hiệu ban đầu, tránh để cây trồng bị ảnh hưởng quá nhiều.

5. Thu hoạch và bảo quản

Thời điểm thu hoạch thực tế sẽ  dựa trên tình hình thị trường và độ chín của quả. Theo kinh nghiệm thì quả có thể được thu hoạch sau khoảng 29 – 31 ngày tính từ thời điểm hoa nở. Để cây có sản lượng và chất lượng tốt nhất, bộ rễ của cây trong suốt giai đoạn phát triển, ra quả đều cần được bảo vệ tốt, tránh tổn thương do nắng nóng từ mặt trời, úng nước hay mưa bão,…Mỗi cành nên chỉ để lại 3 – 4 quả chất lượng nhất.

Khi thu hoạch, sử dụng dao hoặc dụng cụ phù hợp để tiết kiệm thời gian, đảm bảo vết cắt chuẩn, không làm ảnh hưởng đến các cành khác và không làm hư lớp vỏ ngoài của quả. Đi thu hoạch theo từng hàng để tránh bỏ sót. Đặt quả vào gùi/ giỏ có các lớp giấy, rơm hoặc lá để lót tránh dập.

Các quả đạt tiêu chuẩn về kích thước, chuyển màu trong 2 – 3 ngày, màu đẹp, không bị dập nát, vỏ không bị trầy xước, các tai còn nguyên và có màu xanh tốt là những quả chất lượng hơn và có thể được thu mua với giá cao.

Trong giai đoạn vận chuyển, lưu kho để chuẩn bị phân phối, thanh long nên được bảo quản trong khoảng nhiệt độ 12 – 24 độ C, có thể điều chỉnh linh hoạt dựa trên yêu cầu, tiêu chuẩn của bên thu mua và điều kiện bảo quản. Tuy nhiên, cần tránh bảo quản thanh long ở nhiệt độ quá thấp, dưới 5 độ C vì khi đó chất lượng quả sẽ bị ảnh hưởng đáng kể.